Hướng di chuyển của bão. (Nguồn: nchmf.gov.vn).
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 3 được dự báo sẽ đi ngược ra Biển Đông sau nhiều lần liên tục đổi hướng nhưng sẽ gây mưa lớn kéo dài cho miền Bắc đến ngày 26/7.
Cụ thể, lúc 4h ngày 21/7, vị trí tâm bão ở khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền ven biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (90-100 km/giờ), giật cấp 11, bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 40km tính từ tâm bão.
Ngày và đêm 21/7, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10 km. Đến 4h ngày 22/7, vị trí tâm bão ở khoảng 22,5 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông-Quảng Tây (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 200km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 20 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 109 đến 113 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Sau đó, bão có khả năng đổi hướng di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được từ 5-10 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 1h ngày 23/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9.
Cơ quan khí tượng nhận định, bão số 3 khả năng cao sẽ đi ra ngoài Biển Đông, do đó ít khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ nối với cơn bão số 3 kết hợp với hội tụ gió lên đến 5000 m nên trong ngày và đêm 21/7, phía Tây Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100 mm/24h, có nơi trên 150 mm/24h.
Phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to (thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm), trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi.
Trên biển, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao từ 4-6m, biển động rất mạnh.
Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh. Khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; sóng biển cao từ 2-4m.
Khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và Cà Mau đến Kiên Giang có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Do ảnh hưởng của mưa lớn, từ ngày 21/7, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1-3m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông suối nhỏ có khả năng đạt mức báo động 1.
Từ đêm 22-25/7, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-4m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông suối thượng lưu khu vực Bắc Bộ có khả năng đạt mức báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa Nghệ An và Hà Tĩnh.
Dự báo chi tiết các khu vực:
Phía Tây Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, riêng đêm và sáng có vừa, mưa to và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ 23-26 độ C, Tây Bắc có nơi dưới 23 độ C, nhiệt độ cao nhất từ 32-35 độ C, riêng Lai Châu và Điện Biên 28-31 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều tối mai có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ 24-27 độ C, nhiệt độ cao nhất từ 32-35 độ C.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng, có nơi có nắng nóng; riêng phía Bắc đêm có mưa rào và dông rải rác, gió Tây Nam cấp 2-3, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ 25-28 độ C, nhiệt độ cao nhất từ 32-35 độ C, có nơi trên 35 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận đêm 20 và chiều tối 21/7 có mưa rào và dông vài nơi; gió Tây Nam cấp 2-3, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ 25-28 độ C, nhiệt độ cao nhất từ phía Bắc 35-37 độ C, phía Nam 32-35 độ C.
Khu vực Tây Nguyên có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất từ 20-23 độ C, nhiệt độ cao nhất từ 27-30 độ C, có nơi trên 30 độ C.
Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ 23-26 độ C, nhiệt độ cao nhất từ 30-33 độ C, có nơi trên 33 độ C.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi người dân nhận được tin bão, áp thấp nhiệt đới thì tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới mà kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới. Các thuyền viên cần điều khiển tàu, thuyền tránh xa vùng bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng đi tới. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên phải hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới thì các thuyền viên phải cho tàu thuyền chạy ngược gió, gió thổi lệch mũi trước mạn phải, góc lệch lớn hay nhỏ tùy thộc vào sức đẩy của tàu thuyền, tức là chạy về hướng Bắc-Đông Bắc. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên trái hoặc ở ngay trên đường bão, áp thấp nhiệt đới đang di chuyển tới thì cho tàu, thuyền chạy xuôi gió, gió thổi vào đuôi tàu thuyền từ mạn phải, tức là chạy về hướng Nam-Tây Nam. Các thuyền viên cần chú ý rằng khi điều khiển tàu, thuyền tránh bão, áp thấp nhiệt đới trên biển phải luôn luôn giữ cho tàu, thuyền cách tâm bão, áp thấp nhiệt đới một khoảng tối thiểu từ 350 đến 400 km - khoảng 200 hải lý. Khi không thể tránh xa vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới mà lọt vào vùng gió bão, áp thấp nhiệt đới thì người điều khiển phương tiện phải bình tĩnh, tập trung mọi khả năng đưa tàu, thuyền nhanh chóng thoát ra khỏi vùng bão, áp thấp nhiệt đới. |