Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:09
RSS

Báo động vấn nạn ma túy học đường và kế hoạch hành động của Bộ GD&ĐT

Thứ bảy, 29/05/2021, 17:04 (GMT+7)

Theo thống kê gần đây của Bộ Công An, tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến rất phức tạp và có xu hướng trẻ hóa. Những vụ án ma túy ở tuổi học sinh ngày càng gia tăng về số lượng và hình thức phạm tội.

Giật mình với thống kê về tệ nạn ma túy

Tệ nạn ma túy xâm nhập vào học đường không còn là chuyện mới, theo đánh giá của Bộ Công An, tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp trong những năm gần đây. Trong đó, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, chủ yếu tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Thống kê gần đây của Bộ Công an cho thấy, trong số hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của cả nước, người dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%, nếu tính đến độ tuổi 35 thì tỷ lệ này thậm chí lên đến 76%. Đáng chú ý, trong số những người sử dụng trái phép chất ma túy, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 tuổi đến 25 tuổi.

Sự xuất hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về chủng loại, giá thành ngày càng rẻ, dễ cất giấu, sử dụng, tính độc hại cao của ma túy tổng hợp, nhiều em 13-14 tuổi đã sử dụng ma túy khiến dư luận lo lắng. Đặc biệt, ma túy đa dạng hơn, sử dụng cũng đơn giản hơn rất nhiều khiến không ít học sinh, sinh viên, thầy cô và gia đình các em khó phát hiện, đặc biệt là ma túy tổng hợp.

Không khó để bắt gặp cảnh các em tuổi còn rất nhỏ hút shisha, uống "nước vui", dùng "bùa lưỡi", "khô gà"... mà không biết thực chất đang uống, hút chất gì.

Báo động vấn nạn ma túy học đường, Bộ GD&ĐT chỉ đạo nóng

Tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp trong những năm gần đây

Đáng báo động là tên gọi, chủng loại ma túy đang thay đổi hằng ngày, với hàng trăm hoạt chất khác nhau mà cả các phòng xét nghiệm chuyên sâu cũng không thể tìm ra hết. Độc tính của ma túy phá hoại trẻ em, có trường hợp chỉ 13 tuổi, 14 tuổi nhưng thường xuyên rối loạn tâm thần, hoang tưởng, rối loạn nhịp tim… như người nghiện lâu năm.

Đơn cử, vừa qua dư luận hẳn vẫn chưa hết bàng hoàng với vụ việc Công an tỉnh Hải Dương đã bắt quả tang 4 học sinh tẩm ma túy vào thuốc lào rồi dùng điếu cày để hút tại quán nước. Cụ thể, 4 học sinh có 2 em sinh năm 2005 và 2 em sinh năm 2006, nghĩa là các em mới đang ở cuối cấp của THCS. Vụ việc gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng ma túy đã và đang quay trở lại “thẩm lậu” vào trường học một cách ngang nhiên và biến tướng dưới nhiều hình thức khó phát hiện.

Trong khi đó, các loại ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, dễ sử dụng, vì thế chúng len lỏi vào học đường dưới những cái tên mỹ miều, gây tò mò.

Đồng thời, các loại hình vui chơi, giải trí như quán bar, karaoke, vũ trường… phát triển nhanh chóng nên số lượng người sử dụng ma túy là thanh thiếu niên ngày càng tăng. Đây là một thực trạng đáng lo ngại, cần sớm có những giải pháp quyết liệt để đẩy lùi hoàn toàn tệ nạn ma túy ra ngoài xã hội nói chung và môi trường học đường nói riêng.

Bộ GD&ĐT chỉ đạo "nóng" để ngăn chặn ma túy học đường

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm ma túy trong môi trường học đường, ngày 10/5/2021, Bộ GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo kế hoạch về "Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021". Kế hoạch do Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh ký ban hành.

Kế hoạch này gồm 9 nhiệm vụ khác nhau, liên quan đến công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm… Mục đích của kế hoạch là nhằm triển khai hiệu quả các nội dung công việc được giao tại Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.

Kế hoạch đã chỉ ra những nhiệm vụ rất cụ thể và then chốt như “Tổ chức các chương trình tuyên truyền, tập huấn công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm và tệ nạn xã hội cho học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn, Đội của nhà trường trên toàn quốc”. “Triển khai bộ tài liệu Kỹ năng phòng chống ma túy và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh, học sinh. Nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu Kỹ năng phòng chống ma túy dành cho học sinh”.

Báo động vấn nạn ma túy học đường, Bộ GD&ĐT chỉ đạo nóng

Bộ GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo kế hoạch về "Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021"

Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Bộ Công an, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy cũng đã áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp công tác và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc phối hợp đồng bộ của các Bộ ban ngành.

Chia sẻ với báo chí, Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho rằng, hiện nay tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng, nghiện ma túy gia tăng vì tội phạm ma túy đủ độ tinh ranh để biết học sinh, sinh viên đang ở độ tuổi hình thành nhân cách, dễ bị kích động, lôi kéo, rủ rê.

Kẻ phạm tội tìm đủ cách đưa ma túy vào học đường thông qua những điểm, tụ điểm xung quanh nhà trường và từ chính học sinh, sinh viên. Trong đó nổi lên gần đây là việc mua bán ma túy qua mạng và đa cấp, lợi dụng các học sinh, sinh viên nghiện ma túy. Hình thức đa cấp nguy hiểm ở chỗ phát tán nhanh, người bán ma túy là học sinh, sinh viên do đó sự rủ rê, lôi kéo và đưa bạn của mình vào con đường ma túy rất nhanh.

Cũng theo Đại tá Vũ Văn Hậu, để ngăn chặn ma túy học đường, đầu tiên phải nhận thức và nhận diện đúng, đầy đủ về ma túy. Lực lượng công an đang tăng cường triệt xóa các đường dây, tụ điểm buôn bán, tổ chức, sử dụng ma túy, không để ma túy sản xuất trong nước, đồng thời quan tâm quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng ma túy, cũng như chỉ đạo toàn lực lượng vào cuộc cùng cấp ủy, chính quyền, địa phương, nhà trường ngăn chặn ma túy học đường.

"Lực lượng công an đã, đang và sẽ sát cánh với Bộ GD&ĐT, các hệ thống giáo dục từ công tác tuyên truyền pháp luật đến các giải pháp trong phòng ngừa cũng như thường xuyên kiểm tra, rà soát và triển khai các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, đấu tranh, xử lý các vi phạm về sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực trường học, trong quán bar, karaoke, vũ trường… để làm sao nhà trường phải trở thành pháo đài ngăn chặn ma túy, học sinh, sinh viên, giáo viên phải là những người nhận diện đúng, nhận thức đầy đủ và tự có sức đề kháng, không bị cám dỗ về ma túy và đặc biệt vai trò của phụ huynh, gia đình là rất quan trọng", Đại tá Vũ Văn Hậu cho hay.

Cụ thể, theo báo cáo mới nhất, kết quả trong 4 tháng đầu năm 2021, toàn lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy đã phát hiện 10.250 vụ, bắt giữ hơn 14 nghìn đối tượng; thu giữ 237kg heroin, 1.014,39kg + 2.413.936 viên ma túy tổng hợp, trên 816kg cần sa cùng nhiều phương tiện, tài sản có liên quan. Riêng Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng, đấu tranh, bắt giữ 45 vụ, 133 đối tượng, thu giữ 140,7kg heroin, 528,74kg + 1.635.900 viên ma túy tổng hợp, 1 súng, 2 lựu đạn…; bắt 7 đối tượng truy nã.

PV
Theo Giáo dục & Thời đại