Thứ sáu, 29/03/2024 | 06:01
RSS

Bám nghề, yêu trò ở nơi 'quanh năm mây vờn'

Chủ nhật, 27/11/2022, 07:18 (GMT+7)

Đời sống của giáo viên ở nơi “quanh năm mây vờn” còn gặp nhiều khó khăn nhưng các thầy, cô vẫn một lòng yêu trẻ và quyết tâm bám nghề.

Bám nghề, yêu trò ở nơi quanh năm mây vờn

Hoạt động giáo dục của Trường MN Tam Đảo

Tình yêu với nghề

Thị trấn Tam Đảo nổi tiếng cả nước về cảnh quan và khí hậu. Nơi đây có dịch vụ du lịch phát triển bậc nhất của tỉnh Vĩnh Phúc. Thế nhưng, ít ai biết rằng, cuộc sống của đại đa số giáo viên ở 2 ngôi trường của thị trấn này lại gặp rất nhiều khó khăn.

Theo lời giới thiệu của ông Lưu Văn Bảo – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tam Đảo, ở thị trấn Tam Đảo hiện có một trường Mầm non và một trường TH&THCS. Do dân số của thị trấn khá ít, chính vì thế số trẻ học mầm non và học sinh trường Tiểu học và THCS Tam Đảo không có nhiều. Năm học này, tổng số trẻ và học sinh của 2 trường chưa đến 100 em.

“Cả 2 ngôi trường đều nằm ở thị trấn mà người ta quen gọi là đỉnh Tam Đảo nên việc di chuyển, đi lại hằng ngày của giáo viên, nhất là giáo viên ở khác huyện gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Tam Đảo là thị trấn du lịch nên giá cả dịch vụ khá đắt so với mặt bằng chung. Hai nguyên nhân trên cùng với đồng lương ít ỏi của giáo viên như hiện nay khiến cuộc sống của đại đa số giáo viên ở hai trường này chỉ duy trì ở mức sinh hoạt tối thiểu”- Trưởng phòng GD&ĐT Lưu Văn Bảo tâm sự.

Giờ học của cô và trò Trường MN Tam Đảo.

Cô Vũ Thị Yên nhà ở Vĩnh Yên nhưng được phân công làm Hiệu trưởng tại Trường MN Tam Đảo. 18 năm gắn bó với trường thì có hơn 15 năm cô đi về bằng phương tiện cá nhân. Quãng đường từ nhà đến trường khoảng 27km, với những thầy giáo đã là vất vả thì với các cô con đường như chông chênh gấp bội khi một nửa chặng là núi dốc.

Cô Yên chia sẻ: Tôi còn nhớ như in những ngày đầu mới về trường nhận công tác. Khi đó, đường lên Tam Đảo chưa được mở rộng như bây giờ. Những hôm trời nắng thì đỡ còn trời mưa hoặc mùa đông gió rét thì khổ cực vô cùng.

“Một kỉ niệm tôi không thể quên khi đi xe máy từ nhà lên trường, đến khuỷnh gió (một vị trí trên đường lên Tam Đảo – PV) lúc này gió thổi rất mạnh, cả xe và người bị đẩy ngã sang phía lan can bên kia đường. Rất may, khi đó có người dân đi qua và hỗ trợ để tôi lấy lại bình tĩnh và tiếp tục hành trình đến trường.

Trong một lần khác, tôi cùng 2 cô giáo đang trên đường lên thì trời mưa lớn, nước từ trên núi đổ xuống mặt đường chảy xiết làm 3 chị em bị ngã, xe trôi theo mặt đường dốc. Cũng rất may, chúng tôi được người đi đường giúp giữ lại xe để đi tiếp” – cô Yên tâm sự.

Bám nghề, yêu trò ở nơi quanh năm mây vờn

Đường lên Tam Đảo đã được đầu tư mở rộng nhưng vào mùa mưa vẫn còn nguy cơ sạt lở đất

Vất vả là vậy nhưng khi nói đến chuyện nghề, chuyện chăm sóc những đứa trẻ nơi “quanh năm mây vờn” này, cô Yên lại khẳng khái cho biết: Chính những vất vả thường ngày khiến chúng tôi càng thêm yêu những đứa trẻ nơi đây và trân trọng nghề mình đã chọn.

Toàn trường hiện có 6 cán bộ, giáo viên nhưng trong năm học 2021-2022, đã có 1 giải Nhì và 1 giải Ba giáo viên dạy giỏi cấp huyện; 1 giải Ba hội thi “Xây dựng môi trường Giáo dục, nuôi dưỡng lấy trẻ làm trung tâm” cấp huyện. Nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ; 100% trẻ đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần khi tới trường, được nhân dân tin yêu. 100% trẻ trong độ tuổi được khảo sát chất lượng đạt kết quả cao và 100% trẻ 5 tuổi đủ điều kiện vào lớp 1 tiểu học. Kết quả xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực được Phòng GD&ĐT xếp loại tốt…

Trong những năm học qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường không ngừng cố gắng và khẳng định trong các hội thi do ngành tổ chức, có nhiều sáng kiến áp dụng hiệu quả và thực tế. Nhiều năm liền được công nhận là cán bộ quản lý giỏi. Được Bộ giáo dục và đào tạo tặng Bằng khen, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen, được chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

“Được sự quan tâm của chính quyền địa phương và Phòng GD, đến nay nhà trường đã lắp được điều hòa 2 chiều nên rất thuận lợi cho việc giáo dục, chăm sóc trẻ nhất là vào mùa đông. Ngoài ra, nhà trường mới được đầu tư 2 phòng công vụ, tạo điều kiện cho giáo viên được nghỉ tại chỗ hoặc nghỉ tạm trong những ngày thời tiết xấu không thể về nhà. Tuy nhiên, bên cạnh sự quan tâm trên, chúng tôi mong muốn có thêm chính sách đặc thù cho giáo viên nhà trường để cuộc sống đỡ vất vả hơn và giúp giáo viên yên tâm công tác” – cô Vũ Thị Yên cho biết thêm.

Vượt mọi khó khăn

Trường Tiểu học và THCS Tam Đảo là trường có số giáo viên và học sinh rất ít so với các trường cùng cấp ở tỉnh Vĩnh Phúc. Toàn trường hiện có 7 giáo viên tiểu học, 4 giáo viên THCS và 48 học sinh ở 9 khối lớp. Trong đó, khối 8 chỉ có 2 học sinh, còn khối lớp đông nhất là 8 học sinh.

Bám nghề, yêu trò ở nơi quanh năm mây vờn

Lãnh đạo Trường TH&THCS Tam Đảo khen thưởng học sinh dịp khai giảng năm học mới

Ở Trường TH&THCS Tam Đảo, đa phần các cô giáo là người địa phương hoặc lập gia đình trên thị trấn nên việc đi lại dễ dàng hơn so với giáo viên mầm non. Tuy vậy, vẫn còn thầy giáo ở khác huyện phải đến trường bằng xe máy với quãng đường rất xa. Vào mùa đông, thời tiết của Tam Đảo rất lạnh. Khi đó, không chỉ học sinh gặp khó khăn trong việc đến lớp mà chính các giáo viên cũng vậy. Ngoài ra, do số giáo viên ít, khối lớp nhiều nên Hiệu trưởng và Hiệu phó nhà trường cũng phải trực tiếp đứng lớp.

Thầy giáo Tạ Mạnh Cường mới được phân công làm Hiệu trưởng Trường TH&THCS từ tháng 8/2022. Thầy Cường chia sẻ: Ban đầu khi mới nhận nhiệm vụ, tâm lý của tôi cũng có chút hụt hẫng vì từ ngôi trường có học sinh đông, trung bình từ 30-35 học sinh/lớp nhưng ở đây số học sinh rất ít. Tuy vậy, tôi và tập thể giáo viên nhà trường đã nhanh chóng bắt nhịp để triển khai nhiệm vụ.

“Khi triển khai Chương trình GDPT mới, nhà trường có thuận lợi là tâm lý của giáo viên rất sẵn sàng. Ở chương trình mới này, các môn tích hợp được nhà trường phân công giáo viên bộ môn đảm nhiệm. Ví dụ, giáo viên dạy Sử thì kiêm thêm Địa hoặc giáo viên dạy Vật lý thì dạy thêm Hóa.

Hiện nhà trường chỉ có một giáo viên Tiếng Anh dạy cho cả 9 khối lớp. Do đó, nhà trường đã linh hoạt thời khóa biểu vào các buổi chiều để đảm bảo kế hoạch giảng dạy. Bên cạnh đó, môn Tin học cũng được nhà trường bố trí giáo viên Toán dạy kiêm do đó vẫn đảm bảo yêu cầu của chương trình môn học đề ra”- thầy Cường chia sẻ thêm.

Chiều 15/11, ông Đinh Văn Mười – Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo cùng bà Vũ Thị Bích Ngọc – Phó Chủ tịch UBND huyện và Phòng GD&ĐT đã có buổi làm việc với lãnh đạo hai nhà trường. Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo về hoạt động của nhà trường, lãnh đạo huyện Tam Đảo đã yêu cầu Phòng GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất các chính sách phù hợp với quy định pháp luật để có thể hỗ trợ giáo viên nơi đây vơi bớt khó khăn. Đồng thời, tri ân các thầy cô có cống hiến cho ngành GD Tam Đảo nhân dịp kỷ niệm 40 ngày Nhà giáo Việt Nam.

 

 

Long Anh
Theo Giáo dục & Thời đại