Cải bắp hay còn gọi là sú, là loại rau ôn đới được nhập vào trồng ở nước ta từ lâu. Trong cải bắp tươi có 90g% nước, 1,8g% protid, 5,4g% glucid, 1,6g% cellulose, 1,2g% chất trơ. Cải bắp cũng giàu về muối khoáng, nhất là canxi (48mg%), phốtpho (31mg%).
Lượng vitamin C trong cải bắp chỉ thua cà chua, nhưng nhiều gấp 4,5 lần càrốt; 3,6 lần khoai tây, hành tây.
Cải bắp từ xưa đã được các nước châu Âu sử dụng để làm các vị thuốc bởi nó có rất nhiều công dụng. Hiện nay, cải bắp được rất nhiều người dùng để trị bệnh viêm dạ dày và có tác dụng rất tốt.
Năm 1948, các nhà khoa học đã phát hiện trong cải bắp có một chất chống loét gọi là vitamin U, giúp chữa loét dạ dày- tá tràng, viêm dạ dày – ruột, viêm đại tràng. Do vitamin U bị huỷ ở nhiệt độ cao, nên muốn phát huy tác dụng phải dùng nước ép cải bắp tươi.
Một ký lá cải bắp tươi sẽ cho 500 – 700ml nước ép, nếu giã tươi lấy nước cốt thì được 350 – 500ml. Dùng nước ép hoặc nước cốt cải bắp uống trong ngày với liều 1.000ml, chia làm 4 - 5 lần (có thể pha thêm đường hay muối, dùng nóng hay lạnh).
Điều trị liền trong vòng 2 tháng, sẽ có kết quả rõ rệt đối với bệnh nhân đau dạ dày.
Các loại cải khác như cải rổ (var.viridis L), cải bẹ dúng (var.sabauda.), súp lơ, cải hoa (var.botrytis L)… đều có tác dụng chữa bệnh như cải bắp.