Phòng bệnh cho trẻ mùa nồm ẩm. Ảnh: Internet.
Điều đó dẫn đến việc điều trị không hiệu quả hoặc gây tổn thương cho sức khỏe
Thời tiết khiến cơ thể trẻ suy yếu
Thời điểm nồm ẩm mùa Đông Xuân là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Đây cũng là điều kiện thuận lợi dễ phát tán mầm bệnh trong không khí, lan truyền bệnh từ người này sang người khác. Đặc biệt, trẻ em có sức đề kháng kém là nhóm hay mắc bệnh trong điều kiện thời tiết này.
Theo ThS.BS Nguyễn Tuấn Anh - Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, thời điểm giao mùa và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, độ ẩm ngoài trời tăng cao, trẻ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như hen, viêm họng, viêm phổi, viêm tai giữa...
Đặc biệt, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao, tạo điều kiện cho các virus gây bệnh lây lan, phát triển nhanh. Từ đó, có thể khiến trẻ dễ mắc bệnh về đường hô hấp, vì nó làm suy yếu cơ thể và giảm khả năng chống lại vi khuẩn và virus. Ngoài ra, trẻ còn dễ bị tắc nghẽn do dịch chuyển giữa nhiệt độ cao và thấp.
Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý để phòng bệnh cho trẻ. Phụ huynh được khuyến cáo giữ ấm cho trẻ ở một số vị trí quan trọng như đầu, mặt, cổ, bàn tay, bàn chân... Đồng thời, giữ lịch trình sinh hoạt và giấc ngủ có chất lượng. Đảm bảo trẻ được ngủ đủ giờ và giữ lịch trình sinh hoạt chuẩn.
Trẻ cũng cần được tiêm chủng, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, uống nhiều nước. Hạn chế thức uống gây kích thích đường hô hấp và uống nhiều nước giúp duy trì sức khỏe của đường hô hấp.
Cho trẻ tránh môi trường bệnh tật, tiếp xúc với người bệnh hay nơi đông người. Đồng thời, tuân thủ vệ sinh cá nhân và giữ sạch sẽ môi trường xung quanh trẻ.
Dấu hiệu bệnh cần chú ý
Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, cha mẹ cần cho con thăm khám để được chẩn đoán và điều trị sớm. Tình trạng như ho, sổ mũi, đau họng, nặng họng... là những dấu hiệu cần chú ý.
Cha mẹ lưu ý, tránh tình trạng tự điều trị tại nhà. Bởi, điều này có thể khiến tình trạng bệnh tồi tệ hơn và gây ra những tác hại cho sức khỏe của trẻ.
“Việc cha mẹ tự ý điều trị tại nhà cho trẻ có thể dẫn đến một số hệ lụy khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của trẻ và cách thực hiện”, ThS Tuấn Anh cảnh báo. Khi tự ý điều trị tại nhà cho trẻ, cha mẹ có thể không có đầy đủ thông tin về bệnh của con.
Hoặc, không có cách điều trị chính xác. Điều đó dẫn đến việc điều trị không hiệu quả hoặc gây tổn thương cho sức khỏe. Ngoài ra, cha mẹ có thể không có sự tư vấn của bác sĩ hoặc chuyên gia về bệnh và cách điều trị chính xác. Nếu bệnh không được điều trị hoặc điều trị sai cách, có thể dẫn đến tái phát hoặc tình trạng tổn thương nặng hơn.
Những bệnh hay gặp trong trời nồm ẩm
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), vào mùa nồm, sốt virus cũng thường có dấu hiệu bùng phát mạnh nên mọi người cần có biện pháp đề phòng. Ngoài các bệnh liên quan đến đường hô hấp, thời tiết nồm ẩm cũng dễ gây những bệnh lý về đường tiêu hóa như bệnh tiêu chảy do vi khuẩn, nấm phát triển mạnh trong đồ ăn, thức uống.
Ngoài ra, những bệnh như virus rota, bệnh sởi, thủy đậu, viêm da cũng là những loại bệnh dễ lây lan và xuất hiện nhiều vào thời điểm này.
Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, việc chủ động giữ ấm cho trẻ để phòng bệnh là điều các gia đình cần quan tâm. Theo đó, khi đưa trẻ đi ra ngoài trời, hoặc đi tiêm chủng, phải cho bé mặc quần áo đủ ấm, đi tất, đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm.
Tránh để trẻ nhiễm lạnh dẫn đến bị ốm, mắc các bệnh như cảm, cúm, viêm phế quản, viêm phổi... Nên có người lớn bế, tránh gió và ủ ấm cho trẻ. Tuy nhiên, lưu ý không nên bọc trẻ quá kín khiến bé toát mồ hôi.
Tình trạng đó sẽ dễ gây cảm lạnh và bị bệnh. Không cho trẻ tiếp xúc với những trẻ hoặc người lớn đang có dấu hiệu bị các bệnh cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu. Đồng thời, hạn chế cho trẻ đến những chỗ đông người.