Chăm con khỏe mạnh khi trời nồm ẩm là mối lo của nhiều cha mẹ
Trong tử cung của mẹ, thân nhiệt trẻ luôn ổn định nhưng ngay khi ra đời, trẻ phải thích nghi với hiện tượng nhiệt độ môi trường thấp hơn.
Thời điểm giao mùa, không khí ẩm ướt, thời tiết khắc nghiệt, ngày nóng, đêm lạnh luôn tiềm ẩn những nguy cơ khiến trẻ đổ bệnh. Đặc biệt, đối với những bé sinh non hoặc nhiễm bệnh từ khi còn nằm trong bào thai, nếu không được chăm sóc cẩn thận rất dễ nguy kịch.
Bú mẹ từ sớm là cách hiệu quả để tăng cường sức đề kháng cho trẻ
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để nâng cao sức đề kháng của trẻ sơ sinh, mẹ nên cho bé bú càng sớm càng tốt bởi đó là cách hữu hiệu giúp trẻ bảo vệ thân nhiệt và chống nhiễm trùng.
Hàng ngày, mẹ nên tắm, gội cho bé đúng cách để bé thoải mái, dễ chịu và có giấc ngủ ngon.
Mẹ có thể vệ sinh tai, mũi cho bé bằng dung dịch nước muối sinh lý Nacl 0,9%.
Chăn, ga, gối của trẻ cần được thường xuyên thay giặt, phơi ở nơi thoáng gió, có ánh sáng tự nhiên hoặc phải được sấy khô.
Đặc biệt khăn mặt, khăn tắm, quần áo, tã lót của bé cần được giặt sạch, phơi khô và nên là kỹ trước khi sử dụng nhằm loại bỏ những dị nguyên gây bệnh.
Các mẹ nên chọn cho bé sơ sinh quần áo chất liệu cotton mềm mại, dễ chịu, thấm hút tốt.
Sớm nắm bắt sự thay đổi thân nhiệt là điều kiện để mẹ chăm con khỏe mạnh
Thường xuyên kiểm tra thân nhiệt của trẻ, nhất là khi bé ngủ bởi tiết trời nồm ẩm, trẻ dễ bị vã mồ hôi, cần phải lau ngay để tránh cảm lạnh và các bệnh về đường hô hấp.
Cha mẹ nên hạn chế để trẻ sơ sinh tiếp xúc với nhiều người và tuyệt đối tránh để bé ở cùng người đang mắc bệnh (kể cả các bệnh thông thường như ho, sổ mũi).
Gia đình cũng không nên nuôi chó, mèo, không hút thuốc lá, không gây ồn ào… ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
Cha mẹ và người chăm sóc trẻ sơ sinh cần vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt bàn tay nên thường xuyên được rửa bằng xà phòng diệt khuẩn.
Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm trước những thay đổi của thời tiết, rất dễ nhiễm bệnh. Một trong những sai lầm phổ biến của các bậc cha mẹ là tự ý cho trẻ dùng thuốc khi thấy bé ho, sốt, khó thở… dù chưa có chỉ định của bác sĩ. Việc dùng kháng sinh tùy tiện rất dễ gây dị ứng, rối loạn tiêu hóa, tình trạng bệnh diễn biến phức tạp hơn.
Theo khuyến cáo, khi trẻ bệnh, nên đưa đến khám ở các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán kịp thời và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng vacxin đầy đủ, đúng lịch để tạo hệ miễn dịch cho trẻ.
Phòng ở của bé cần được giữ gìn sạch sẽ, thoáng khí
Cuối mùa Đông, đầu mùa Xuân ở miền Bắc, không khí mang lượng ẩm lớn, gặp lớp không khí lạnh nên ngưng tụ thành giọt nước, bám trên nền nhà, tường, đồ vật, là môi trường để nấm mốc, vi khuẩn sinh sôi.
Nấm mốc, vi khuẩn còn có thể lơ lửng trong không khí, mắt thường không nhìn thấy được, bám vào quần áo, chăn chiếu… Vì vậy, để chăm con khỏe mạnh, mẹ cần lưu lý, phòng ngủ của trẻ cần sắp xếp ngăn nắp, thông thoáng, không nên để nhiều đồ.
Những thứ như bàn vi tính, tủ sách cũ… thường chứa nhiều bụi bặm, tránh để gần khu vực trẻ nằm.
Giường ngủ của bé nên kê cao hơn những ngày nắng ráo. Bạn không bên xếp các thứ dưới gầm, cũng không nên dùng thảm trải sàn bởi nước đọng dưới thảm không thoát được chính là nơi lưu trú của các ổ vi khuẩn gây bệnh.
Dù cảm giác bí bách, ngột ngạt nhưng bạn không nên mở toang cửa, bật quạt suốt ngày bởi làm vậy chỉ khiến tình trạng ẩm ướt trầm trọng hơn.
Dùng máy sưởi cũng hạn chế được phần nào tình trạng ẩm ướt, nhưng bạn chỉ nên để ở mức vừa phải để tránh tình trạng trẻ sơ sinh bị khô da.
Bạn cũng có thể bật quạt cho thông thoáng, nhưng không để quạt quay trực tiếp vào người trẻ.
Biện pháp dùng máy hút ẩm được coi là tối ưu hơn bởi nhiệt độ trong phòng không chênh so với nhiệt độ ngoài trời, trẻ sơ sinh dễ dàng thích nghi hơn.
Thêm nữa, có thể mở cửa vài tiếng lúc trời ấm áp cho không khí thông thoáng, để bé có thể hấp thụ Vitamin D bằng cách tắm nắng, rồi sau đó đóng lại và dùng máy hút ẩm.