Thứ bảy, 27/04/2024 | 08:41
RSS

Bác sĩ Hoàng Công Lương đề nghị cơ quan tố tụng đình chỉ bị can với mình

Thứ bảy, 25/08/2018, 08:30 (GMT+7)

“Việc thay đổi tội danh liên tục là có vấn đề, nếu không đủ căn cứ kết tội thì đề nghị cơ quan tố tụng đình chỉ bị can đối với tôi”, bác sĩ Hoàng Công Lương nói.

Bác sĩ Hoàng Công Lương đề nghị cơ quan tố tụng đình chỉ bị can với mình
Bác sĩ Hoàng Công Lương trao đổi với luật sư. Ảnh PLO

Như đã đưa tin, CQĐT Công an tỉnh Hòa Bình vừa có quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với Hoàng Công Lương (bác sĩ công tác tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình) từ tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thành vô ý làm chết người.

Đáng chú ý, đây là thứ ba Hoàng Công Lương bị thay đổi tội danh. Cụ thể, lần đầu tiên, Lương bị khởi tố về tội vi phạm các quy định về khám chữa bệnh, sau đó đổi thành thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, và hiện tại là vô ý làm chết người.

Trao đổi với PV báo Dân trí vào tối 24/8, BS Lương cho hay chiều cùng ngày đã cùng luật sư bào chữa của mình nhận quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can của Công an tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, Lương không đồng ý với việc thay đổi trên.

“Tôi có nhận quyết định nhưng ghi rõ trong biên bản bàn giao là không đồng ý với quyết định của CQĐT. Từ trước đến nay, họ đã đổi rất nhiều tội danh đối với tôi, đều không đủ căn cứ kết tội” – Lương nói.

Bị can này cũng cho rằng không có căn cứ để kết luận mình phạm tội vô ý làm chết người, bởi nguyên nhân khiến các bệnh nhân tử vong là do tồn dư hóa chất chứ không phải do việc khám chữa bệnh của mình.

“Việc thay đổi tội danh liên tục là có vấn đề, nếu không đủ căn cứ kết tội thì đề nghị cơ quan tố tụng đình chỉ bị can đối với tôi” – BS Lương đưa ra quan điểm.

Cũng trong ngày 24/8, Đại tá Phạm Hồng Tuyến - Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, tối qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trương Quý Dương - Nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Trước đó, ngày 7/5/2018, TAND TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án trên. Tuy nhiên, sau đó phiên tòa bị hoãn theo đề nghị của các luật sư.

Đến ngày 15/5/2018, TAND TP Hòa Bình mở lại phiên tòa. Sau 12 ngày xét xử (từ ngày 15/5 đến ngày 30/5, không tính ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ Nhật), đến chiều 5/6, TAND TP Hòa Bình đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung do còn các tình tiết của vụ án cần phải làm rõ.

Đáng chú ý, HĐXX đề nghị cần điều tra làm rõ trách nhiệm đối với ông Trương Quý Dương, Nguyên Giám đốc bệnh viên đa khoa Hòa Bình; ông Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng liên danh, liên kết mua bán máy móc, sửa chữa, bảo dưỡng, vật tư y tế. 

Căn cứ để thỏa thuận mức tiền, nguồn tiền thuê máy chạy thận nhân tạo; có hay không thỏa thuận giữa 2 bên về số tiền này. Làm rõ trách nhiệm đối với các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước phát sinh từ các hợp đồng đã ký kết giữa Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Như tin đã đưa, ngày 25/5/2017, BVĐK tỉnh Hòa Bình đã ký hợp đồng số 315 với Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn (do ông Đỗ Anh Tuấn làm giám đốc) để thực hiện sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2. Sau đó, Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn đã “bán cái” cho Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh (lúc đó do Bùi Mạnh Quốc làm giám đốc) thực hiện.

Đến ngày 28/5/2017, Bùi Mạnh Quốc đến BVĐK tỉnh Hòa Bình sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Khoảng 18h30 cùng ngày, Quốc hoàn thành công việc sửa chữa và báo lại cho Trần Văn Sơn (lúc đó là nhân viên Phòng Vật tư-Trang thiết bị y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình). Sau đó, Trần Văn Sơn báo lại cho điều dưỡng của Đơn nguyên thận nhân tạo - Khoa Hồi sức tích cực.

Sáng 29/5/2017, điều dưỡng báo cho nhiều y, bác sĩ ở Đơn nguyên thận nhân tạo về việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO số 2 đã xong và có thể hoạt động. Sau đó, điều dưỡng khởi động lại máy chạy thận, kiểm tra các chỉ số đều ở ngưỡng an toàn. 

Sau khi kiểm tra các chỉ số sinh tồn cho các bệnh nhân, đủ điều kiện chạy thận, bác sĩ Hoàng Công Lương và 2 bác sĩ khác đã ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân. Sau khoảng thời gian ngắn, các bệnh nhân có dấu hiệu khác lạ, lần lượt 8 bệnh nhân tử vong. 

Nguyên nhân được xác định tồn dư hóa chất độc hại trong nguồn nước dùng cho lọc máu (do Bùi Mạnh Quốc khi sửa chữa đã sục rửa cẩu thả dẫn đến lượng hóa chất vẫn còn tồn dư trong đường ống của hệ thống lọc nước RO số 2). Ngày 10/2/2018, nạn nhân thứ 9 tử vong.


Xem thêm; 
Người phụ nữ chửi bới CSGT ở Vũng Tàu thừa nhận có uống rượu sau khi đi lễ chùa

 

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN