Thứ sáu, 19/04/2024 | 05:34
RSS

Bác sĩ dinh dưỡng chỉ ra sai lầm nhiều người mắc khi ăn lẩu mùa đông

Chủ nhật, 30/12/2018, 07:38 (GMT+7)

Vào mùa đông, xì xụp bên nồi lẩu nóng là thú vui là sở thích của rất nhiều người Việt. Tuy nhiên, nhiều người lại vô tình mắc những sai lầm nguy hiểm cho sức khỏe khi ăn lẩu.

Bác sĩ dinh dưỡng chỉ ra sai lầm nhiều người mắc khi ăn lẩu mùa đông
Nhiều người vô tình mắc những sai lầm nguy hiểm cho sức khỏe khi ăn lẩu (ảnh minh họa)

Ăn lẩu vào mùa đông là sở thích của nhiều người nhưng không ít người lại đang mắc phải những sai lầm khi ăn lẩu vào mùa đông. Theo PGS TS Phạm Văn Hoan - Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, ăn lẩu sai cách có thể khiến bạn rước họa vào thân.

Dưới đây là những sai lầm nhiều người mắc khi ăn lẩu mùa đông:

Ăn lẩu quá nóng

Những người ăn lẩu thường quan niệm lẩu phải ăn nóng, vừa gắp ra phải ăn ngay mới ngon. Thế nhưng, nhìn dưới góc độ khoa học, việc ăn lẩu quá nóng sẽ là nguyên nhân khiến cho bạn gặp nguy hiểm.

Đồ ăn vừa được gắp ra từ nồi lẩu có nhiệt độ hơn 100 độ C có thể sẽ nóng ở mức 50-60 độ C. Mức nhiệt này rất dễ làm tổn thương khoang miệng, dạ dày và thực quản.

Ngoài ra, gia vị cay nóng kèm với nhiệt độ cao của đồ ăn sẽ gây kích thích đường tiêu hóa, gây hại cho sức khỏe của bạn. Vì vậy các bác sĩ khuyên đồ ăn sau khi được gắp trực tiếp từ nồi lẩu ra nên để cho nguội bớt, sau khi còn ấm ấm mới thưởng thức.

Để nước lẩu quá lâu

Nước lẩu bị đun quá lâu hàm lượng nitric tăng cao, các loại vitamin bị phân hủy, lượng chất béo cũng bão hòa và gây hại cho cơ thể. Để nước lẩu ngon và có lợi cho sức khỏe, bạn nên thay nước lẩu sau 60 phút.

Ăn lẩu tái

Bên cạnh thói quen ăn nóng, rất nhiều người ăn lẩu lại thích ăn tái vì cho rằng đồ tái sẽ ngọt hơn, các chất vẫn còn được bảo toàn. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo đây là thói quen cực kì nguy hại cho hệ tiêu hóa, dễ bị nhiễm vi khuẩn và kí sinh trùng từ đồ ăn tái, sống. Đặc biệt, các loại nội tạng động vật thì càng cần nấu chín kỹ. 

Cho quá nhiều loại đồ ăn lẫn lộn cùng lúc

Thông thường một nồi lẩu bạn sẽ phải chuẩn bị khá nhiều thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên khi cho nhiều loại đồ ăn như thịt, hải sản sống, nội tạng động vật, rau, các loại củ chứa tinh bột… vào cùng một nồi lẩu rất dễ khiến một số ký sinh trùng lây lan, gây ra các bệnh đường tiêu hóa. Vì vậy, cách tốt nhất khi ăn lẩu là đợi loại thực phẩm này được chúng chín hãy cho loại thực phẩm khác.

Bác sĩ dinh dưỡng chỉ ra sai lầm nhiều người mắc khi ăn lẩu mùa đông
Khi ăn lẩu không nên cho quá nhiều thực phẩm khác nhau vào cùng lúc (ảnh minh họa)

Ăn lẩu quá lâu và quá nhiều

Khi ăn lẩu liên tục trong mấy tiếng dạ dày của bạn sẽ phải làm việc liên tục hết công suất dễ rối loạn tiêu hóa, đau bụng...

Trong quá trình ăn tầm 60 phút nên thay nước lẩu 1 lần để tránh thực phẩm đun lâu hàm lượng nitric tăng lên, vitamin bị phân hủy, biến chất gây hại cho cơ thể thậm chí là dẫn đến ung thư.

Thông thường, khi ăn lẩu nhiều người sẽ vừa ăn vừa nói chuyện dẫn đến bữa ăn kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Đây là thói quen gây hại cho sức khỏe của bạn. Việc ăn lẩu quá lâu sẽ làm tăng lượng cholesterol trong máu, ăn quá lâu dẫn đến rối loạn đường tiêu hóa.

Ngoài ra, ngồi ăn lẩu quá lâu sẽ khiến dạ dày phải làm việc liên tục bởi các loại dịch vị, dịch mật, dịch tụy phải tiết ra nhiều, liên tục, dễ gây đau bụng, đi ngoài, viêm lá lách mãn tính. Nên ăn lẩu trong khoảng 2 tiếng trở lại, mỗi tuần không nên ăn lẩu quá 1 lần.

Rau rửa không sạch

Rau cần, rau cải, cải cúc, cải thảo, rau muống,... là những loại rau dùng phổ biến khi ăn lẩu. Tuy nhiên, khi rửa số lượng rau lớn bạn cần phải rửa cẩn thận, sạch sẽ. Nếu rửa không sạch, bạn sẽ tăng nguy cơ nhiễm giun sán, nang sán, các vi khuẩn, virus nặng hơn là ngộ độc thức ăn.

Vì vậy trước khi ăn, bạn hãy nhặt rau thật kỹ, sau đó rửa riêng từng cho thật sạch.

Bác sĩ dinh dưỡng chỉ ra sai lầm nhiều người mắc khi ăn lẩu mùa đông
Ngồi ăn lẩu quá lâu sẽ khiến dạ dày phải làm việc liên tục (ảnh minh họa)

Ăn quá chua, cay – dễ bị đau dạ dày

Nếu ăn quá chua cay sẽ ảnh hưởng lớn đến dạ dày và các cơ quan tiêu hóa khác. Vị chua, cay tác động lên niêm mạc dạ dày, nhẹ thì đau dạ dày, nặng thì gây phù nề, xung huyết, Viêm loét dạ dày

Theo các chuyên gia, khi ăn lẩu, bạn cần để ý tới trình tự ăn. Trước tiên, bạn uống một chút nước ngọt hoặc nước ép, sau đó ăn tới phần rau và cuối cùng tới phần thịt. Như vậy dạ dày sẽ hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn. 


Xem thêm video: Bác sĩ đông y chia sẻ bài thuốc giúp trẻ suy dinh dưỡng tăng cân

Mai Anh
Theo Đời sống Plus/GĐVN