Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:03
RSS

Bác sĩ điều trị xúc động kể về những giây phút cuối đời thầy Văn Như Cương

Thứ sáu, 13/10/2017, 10:08 (GMT+7)

Ước mong được về vui trung thu cùng học trò trường Lương Thế Vinh của PGS.TS Văn Như Cương không thực hiện được, bởi, thầy đã mãi đi xa.

giây phút cuối đời thầy Văn Như Cương, thầy Văn Như CươngThs.Bs Đào Trung Hiệp – Phụ trách Ung bướu người lớn, bệnh viện Đa khoa Vinmec

Ngày 12/10, thi thể PGS.TS Văn Như Cương – Chủ tịch HĐQT Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh sẽ được an táng tại nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội). PGS mất ngày 9/10 sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư gan.

Chia sẻ với phóng viên về những ngày cuối đời của PGS. Văn Như Cương, Ths.Bs Đào Trung Hiệp – Phụ trách Ung bướu người lớn, bệnh viện Đa khoa Vinmec và cũng là người điều trị trực tiếp cho thầy, chia sẻ, bệnh của thầy nặng, tiên lượng khó khăn nhưng bằng nỗ lực và ý chí, tinh thần lạc quan, thầy đã đi xa mọi giới hạn thống kê của ung thư học.

Không khí gia đình là niềm an ủi lớn

Trong suốt quá trình PGS. Văn Như Cương điều trị tại bệnh viện Vinmec đã để lại rất nhiều ấn tượng trong vị bác sĩ này. Đó là ấn tượng về một gia đình "tứ đại đồng đường" luôn sum tụm lúc thầy bị bệnh. Sự quan tâm của gia đình cũng là động lực giúp thầy vượt qua mọi khúc cua của bệnh tật.

Thầy đã có được vài ba ngày bên gia đình ở tổ ấm đã gắn bó với mình rất nhiều năm. Đó là những mong muốn, là kế hoạch nhân văn cuối cùng của chính những người làm nghề như chúng tôi với bệnh nhân.

Thầy ra đi trong tình yêu thương của gia đình, bạn bè. Sự ra đi êm ái, viên mãn, rất nhẹ nhàng vì "sinh lão bệnh tử" là quy luật của tự nhiên, và mọi thứ đã được chuẩn bị", Ths. Đào Trung Hiệp tâm sự.

Nói về người vợ của PGS. Văn Như Cương, Ths. Hiệp cũng hết sức ấn tượng. Bởi lẽ, bà dù bị tai biến, huyết áp cao nhưng bà dành trọn thời gian của mình để ở bên chăm sóc thầy những ngày thầy nằm viện và cả lúc thầy ở nhà.

Thậm chí nhiều lần huyết áp của bà tăng, các bác sĩ thăm khám nhưng không dám thông tin lại với thầy Cương vì sợ thầy lo.

giây phút cuối đời thầy Văn Như Cương, thầy Văn Như CươngThầy Văn Như Cương bên gia đình

"Cô chăm sóc cho thầy rất tốt. Họ dù đã 80 tuổi nhưng vẫn như đôi uyên ương tuổi đôi mươi, gọi nhau là anh em. Có lẽ, ở họ toát lên một tình yêu không tuổi và cả một đam mê không tuổi.

Chính những động lực tinh thần, tình cảm, tình yêu thương của thầy với nghề, với gia đình, xã hội và ngược lại của mọi người với thầy đã làm nên câu chuyện mà chúng ta được chứng kiến ở con người đầy nghị lực, lạc quan và truyền cảm hứng ấy", Ths. Đào Trung Hiệp nói thêm.

Giây phút đón nhận tin dữ

Nhớ lại thời điểm thông tin với gia đình về sự ra đi trong thời gian sắp tới của thầy, Ths. Hiệp cho hay, thời điểm thông báo tin thầy mất, một cảm giác mất mát lúc nào cũng hiển hiện lên sắc diện cô Đào Kim Oanh (vợ thầy Cương – PV), cũng như con cháu.

"Không phải một lần mà tôi phải làm điều đó rất nhiều lần với gia đình mỗi lần thầy có tiến triển bệnh nặng.

Những lần trước còn có những tia hi vọng và mừng là thầy đã thắng. Nhưng lần này, tôi cũng nói với cô Oanh, thầy không còn bất kì tia hi vọng nào để chiến thắng.

Cô Oanh đón nhận thông tin ấy bằng tâm lý đã chuẩn bị, nhưng tôi nhìn thấy rất rõ nỗi buồn trên gương mặt cô. Gia đình chấp nhận điều ấy ở thời điểm này vì trước sau cũng đến và quyết định đưa thầy về nhà là quyết định rất chính xác".

Ý chí phi thường của thầy Văn Như Cương - câu chuyện truyền cảm hứng

Ths. Đào Trung Hiệp cũng cho biết, anh rất ấn tượng về câu chuyện truyền cảm hứng của thầy, vì cuộc chiến với ung thư là cuộc chiến khó khăn nhất trong đời sống con người chúng ta ở thời điểm hiện tại.

Nhưng tinh thần lạc quan, ham mê làm việc cũng như cống hiến, tình yêu học trò, yêu nghề là động lực lớn nhất mà thầy đã hun đúc được trong cả cuộc đời để chiến đấu chống lại căn bệnh ung thư trong hơn 3 năm qua.

"Tôi đi nhiều nơi trên thế giới ở những nơi tôi qua, họ luôn coi người ung thư là anh hùng ở đời thường, là người lính trên mặt trận.

Câu chuyện của thầy đã giúp nhiều bệnh nhân vượt qua nỗi sợ hãi, ám ảnh chết chóc của bệnh, giúp họ có niềm tin cộng tác với khoa học, y học, bác sĩ và gia đình để chiến đấu với bệnh ung thư.

Không ít lần tôi thành công từ câu chuyện của những người truyền cảm hứng như thầy Cương. Thầy là người truyền được cảm hứng mãnh liệt, thầy chuyển hóa được những trăn trở với nghề vào quá trình chiến đấu với bệnh", Ths. Hiệp nói.

giây phút cuối đời thầy Văn Như Cương, thầy Văn Như CươngPGS Văn Như Cương qua đời sau hơn 3 năm chống chọi với bệnh tật

Với Ths. Hiệp, dù chưa một ngày được học kiến thức từ thầy nhưng anh luôn kính trọng con người ấy. Nhiều lúc hôn mê gan, tiền hôn mê gan thậm chí nói lảm nhảm, nói lẫn, và không đi lại được… nhưng thầy vẫn dùng ý chí để chiến thắng bệnh tật.

Ngày khai giảng cách đây 1 năm, trước khai giảng vài ba ngày, thầy bị tiền hôn mê gan và không ai nghĩ thầy có thể quay về trường để dự lễ khai giảng. Nhưng hôm đó, bằng sự nỗ lực của cả đội ngũ y, bác sĩ, thầy đã về trường, phát biểu 15 phút trong lễ khai giảng, sau đó quay trở lại bệnh viện.

Cũng như năm 2014, khi thầy vào viện với tình trạng bệnh khá nặng nhưng thầy đối diện với thông tin về bệnh tình của mình một cách rất bình thường. Hiện lên trong đôi mắt người làm giáo dục ấy là ngọn lửa khát khao sống và cống hiến.

Và có lẽ, tất cả những lần thầy vào viện hay bệnh trở nặng, mong muốn lớn nhất của thầy là ra viện về với học trò và đóng góp ý kiến cho các kì thi tuyển sinh, được dự lễ khai giảng tại trường Lương Thế Vinh... Trong tất cả mọi cuộc quan trọng của trường, các bác sĩ Vinmec đều giúp thầy đạt được ước nguyện.

"Ngọn lửa đam mê đó đã đi cùng thầy trong 80 năm cuộc đời và tôi cảm nhận niềm đam mê đó không hề suy giảm kể cả lúc bệnh nặng, được quay về với trò và trăn trở với ngành giáo dục.

Nhưng điều tôi lấy làm tiếc nhất khi không giúp thầy thực hiện trọn vẹn được nguyện vọng quay trở về vui trung thu cùng học trò Lương Thế Vinh dịp trung thu cách đây đúng 1 tuần", Ths.Hiệp tâm sự thêm.

Và chính những tâm huyết của thầy đã khiến bệnh ung thư không thể tiêu diệt thầy trong ngày 1 ngày 2. Bởi lẽ, với bệnh của PGS, theo thống kê của thế giới, thời gian sống trung bình khoảng 6 tháng, nhưng thầy đã sống 3 năm 3 tháng. Đó là một kỳ tích mà không phải ai cũng có được bằng ý chí, bằng tâm huyết, nhiệt huyết sống và truyền cảm hứng.

Nguyễn Huệ
Trí Thức Trẻ