Đợt rét đậm, rét hại đầu tiên diễn ra trên diện rộng bao trùm khắp các tỉnh Bắc bộ. Ảnh: DS
Đợt rét đậm, rét hại đầu tiên diễn ra trên diện rộng bao trùm khắp các tỉnh Bắc bộ những ngày vừa qua là dấu hiệu một mùa đông khắc nghiệt. Ghi nhận tại các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai là những địa phương có vùng núi cao như Mẫu Sơn (Lạng Sơn); Fansipan, Y Tý (Lào Cai) được cảnh báo xảy ra băng giá, sương muối, trong những ngày vừa qua, chính quyền và người dân cũng cấp tập triển khai nhiều biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết từ ngày 14/12, các tỉnh Bắc bộ chịu ảnh hưởng của một đợt gió mùa đông bắc mạnh. Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh, kết hợp với dòng siết trên mực khí quyển tầng cao nên từ ngày 15/12, các tỉnh Bắc bộ trời nhiều mây, gây ra đợt rét đậm, rét hại đầu tiên của mùa đông năm nay.
Qua thống kê những ngày qua, nhiệt độ thấp nhất vào buổi sáng ở khu vực đồng bằng chỉ từ 10 - 12 độ C. Tại Hà Nội trong sáng 18/12, nhiệt độ hạ xuống dưới 11 độ C. Tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) liên tiếp trong ngày 17 - 18/12, đều ghi nhận ở mức 0,8 độ C, thấp hơn cả nhiệt độ trong tháng 12/2019 là 3,8 độ C. Còn tại Sa Pa (Lào Cai), nhiệt độ thấp nhất là 4 độ C, cao hơn so với nhiệt độ tháng 12/2019 là 1,6 độ C.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, đợt rét tháng 12/2019 xảy ra do phát xạ nhiệt nên nhiệt độ chỉ hạ thấp vào ban đêm, còn ban ngày trời vẫn có nắng và nhiệt độ lên phổ biến trên 20 độ C, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn nên không cảm giác rét như đợt rét của năm nay. Còn đợt rét năm nay do ảnh hưởng của không khí lạnh cường độ mạnh, trời nhiều mây nên chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm không cao. Cụ thể, nhiệt độ thấp nhất ban đêm phổ biến 10 - 12 độ C, còn ban ngày cao nhất cũng chỉ từ 14 - 16 độ C và cộng với độ ẩm cao nên người dân cảm nhận trời rét hơn.
Trước thời tiết bắt đầu chuyển sang rét đậm rét hại, do đó người dân phải tăng cường các biện pháp phòng chống rét. Tuy nhiên, ở những vùng khó khăn, nhất là vùng nông thôn, miền núi, điều kiện kinh tế khó khăn nên vào những ngày giá rét, người dân vẫn đang sử dụng các biện pháp như đốt than, đốt củi sưởi ấm trong nhà. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe do khí than.
Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo, người dân cần trang bị các thiết bị sưởi ấm an toàn như lò sưởi, máy sưởi. Tuy nhiên, ở những vùng kinh tế khó khăn chưa trang bị được các loại máy móc hiện đại, người dân cũng không nên sử dụng than củi, than tổ ong để đốt và sưởi ấm trong phòng kín.
Nếu thời tiết quá lạnh, buộc phải sử dụng than thì chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, cần mở hé cửa để bảo đảm thông khí và chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức; không dùng sưởi qua đêm và đóng kín cửa phòng. Người dân cần tắt lửa triệt để khi không sử dụng.
Thông tin từ Bệnh viện (BV) Tim Hà Nội cho biết những ngày gần đây, BV này tiếp nhận 1.400 - 1.500 bệnh nhân (BN) đến khám/ngày, tăng khoảng 10% so với thời điểm bình thường. Nguyên nhân là nhiệt độ giảm thấp, chuyển lạnh gây co thắt mạch máu, làm tăng huyết áp, cần đặc biệt lưu ý với người đã có bệnh tăng huyết áp. TS Hiền khuyến cáo: người dân, đặc biệt người bị cao huyết áp, nên đặc biệt chú trọng giữ ấm, tập thể dục trong nhà và duy trì chế độ ăn ít muối để kiểm soát huyết áp hiệu quả.