Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:06
RSS

Bà ngoại dùng kéo cắt rốn, bé sơ sinh bị uốn ván nguy kịch

Thứ ba, 30/06/2020, 07:05 (GMT+7)

Sản phụ sinh non tại nhà, bé sơ sinh được bà ngoại dùng kéo cắt rốn. Cháu bé nhập viện sau 3 ngày chào đời, trong tình trạng nhiễm uốn ván nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Dân trí đưa tin, ngày 29/6, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM cho biết, vừa qua bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp trẻ sơ sinh bị uốn ván rất nặng.

Theo đó, bệnh nhi là con bà T.D., ngụ tại Đắk Nông. Cháu bé nhập viện sau 3 ngày chào đời, trong tình trạng nguy kịch tính mạng.

Căn cứ trên các biểu hiện đặc trưng lâm sàng và các xét nghiệm, bác sĩ xác định bệnh nhi bị nhiễm uốn ván sơ sinh. Sau nhập viện, dù được điều trị theo phác đồ, tuy nhiên diễn tiến của bé ngày càng trở nặng, rơi vào nguy kịch.

Các bác sĩ đã điều trị tích cực bằng thở máy, chống sốc, chống co giật, kháng sinh chống nhiễm trùng. Sau 1 tháng chăm sóc, theo dõi liên tục các bác sĩ đã từng bước giúp bệnh nhi qua nguy kịch. Hiện, bé đã cai được máy, có thể tự thở khí trời, ăn sữa hoàn toàn, chuẩn bị được xuất viện.

Bà ngoại dùng kéo cắt rốn, bé sơ sinh nhiễm uốn ván nguy kịch

Bệnh nhi được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2

Trước đó, khai thác lịch sử bệnh nhi từ phía gia đình, các bác sĩ được biết trong suốt quá trình mang thai người mẹ không đi kiểm tra định kỳ, không chích ngừa. Đến tuần thứ 30 của thai kỳ, người mẹ đau bụng chuyển dạ sinh non tại nhà được mẹ ruột đỡ đẻ. Cháu bé chào đời chỉ nặng 1,2kg và được bà ngoại dùng kéo cắt rốn.

Đến ngày thứ 3 sau khi chào đời, trẻ có biểu hiện bỏ bú, thở yếu, co giật liên tục, cứng hàm, nhạy cảm với kích thích… gia đình vội chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu.

Qua trường hợp của bệnh nhi trên, BS Nguyễn Thanh Thiện, Trưởng khoa Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, uốn ván rốn sơ sinh là bệnh rất nguy hiểm cho hệ thần kinh trung ương của trẻ. Bệnh do trực khuẩn Clostridium tetani xâm nhập qua rốn. Uốn ván rốn sơ sinh có thể gây tử vong lên đến 80%, dù trẻ có sống sót cũng có thể mang di chứng thần kinh, tâm thần suốt đời. 

 “Với thành tựu y học hiện nay, bệnh uốn ván sơ sinh có thể dự phòng dễ dàng. Phụ nữ mang thai nên khám thai định kỳ, chích ngừa uốn ván đầy đủ, sinh tại các cơ sở y tế để được chăm sóc tốt nhất”, BS Thanh Thiện khuyến cáo. 

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN