Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:19
RSS

Ba bệnh nhân tái dương tính Covid-19 đã có kết quả âm tính

Thứ hai, 27/04/2020, 20:31 (GMT+7)

Các bệnh nhân 36, 52, 149 đã âm tính virus nCoV gây dịch bệnh Covid-19, trong khi "bệnh nhân 137" chưa có kết quả xét nghiệm.

Vì sao ba người tái dương tính Covid-19 âm tính trở lại?
Y bác sĩ Quảng Ninh điều trị bệnh nhân covid-19 Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, cho biết, "bệnh nhân 52", du học sinh về từ Anh; và "bệnh nhân 149" lao động tự do về từ Đức, tái dương tính vài ngày trước, sáng nay đã có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV trở lại. Hiện cả hai sức khỏe ổn định, không ho, không sốt, tự thở được, đang được cách ly, theo dõi tiếp.     

"Bệnh nhân 36", người giúp việc của doanh nhân Bình Thuận, cũng có kết quả xét nghiệm âm tính trở lại vào 26/4, theo bác sĩ Đinh Thế Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh. Hiện sức khỏe bà ổn định, đang được điều trị tại bệnh viện Đông y tỉnh theo phác đồ của Bộ Y tế, Vnexpress đưa tin.

"Bệnh nhân 137", quê Nghệ An, từ Đức về và từng xét nghiệm âm tính 6 lần trước khi dương tính lại, hiện chưa có kết quả xét nghiệm mới. Bác sĩ Trần Duy Hưng, Trưởng khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết sức khỏe bệnh nhân ổn định. 

"Bệnh nhân 188", nhân viên công ty Trường Sinh, trước điều trị tại Hà Nam, sau khi tái dương tính được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Sáng 18/4, bà này xét nghiệm dương tính, chiều và ngày hôm sau âm tính. Sang ngày 20 và 21 dương tính liên tiếp trở lại. 

Tất cả trường hợp tái dương tính đều được điều trị lại từ đầu và theo dõi sát diễn biến sức khỏe.  

Ông Diện nhận định diễn biến bệnh của hai ca nhiễm rất phức tạp nên các bác sĩ không chủ quan. Trước khi có kết quả xét nghiệm ba lần âm tính nCoV và công bố khỏi bệnh ngày 16/4, hai bệnh nhân này đã trải qua nhiều lần xét nghiệm với kết quả âm tính rồi lại dương tính. Tất cả bệnh nhân Covid-19 đều  được theo dõi sát diễn biến và được lấy mẫu xét nghiệm sau mỗi 48 giờ.         

Hiện chưa rõ nguyên nhân bệnh nhân tái dương tính. "Có khả năng hệ miễn dịch của cơ thể bệnh nhân kém đi khiến virus lại bùng lên do Covid-19 chưa có thuốc điều trị đặc hiệu", ông nói.  

Thông tin về trường hợp bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết về chuyên môn, có thể người đó chưa khỏi bệnh hoàn toàn, hoặc đã khỏi bệnh nhưng đang trong quá trình đào thải xác virus, theo VTC News.

Còn trường hợp người lành mang bệnh xảy ra khi cơ thể người mang virus chưa sản xuất đủ kháng thể để tiêu diệt virus… “Bộ Y tế đang giao cho 2 cơ quan nghiên cứu sâu các trường hợp này”, ông Long nói.

Thực tế thời gian vừa qua nước ta không ghi nhận nhiều ca bệnh mới, song vẫn có những người mang virus tồn tại trong cộng đồng mà không phát hiện ra được. Do chưa có vaccine, thuốc đặc trị, nên các chuyên gia trên thế giới đều rất lo ngại về khả năng lây nhiễm trở lại.

Thông tin cụ thể hơn về ca bệnh âm tính rồi dương tính trở lại, TS.BS Phạm Quang Thái - Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, thông thường, các bệnh nhân mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh vẫn sẽ được theo dõi sức khỏe trong 14 ngày và tiếp tục làm các xét nghiệm lại để khẳng định.

Ở một số trường hợp, dù có từ 2 đến 3 lần xét nghiệm âm tính nhưng sau đó lại dương tính với virus corona. Hiện tượng trên có thể hiểu do ban đầu khi vào cơ thể, virus sẽ lưu trú ở vùng hầu họng. Nhưng thụ thể yêu thích của corona lại không phải nơi này mà là phổi. Nên thời điểm virus tấn công xuống phổi sẽ rất khó để bắt được virus.  

Mặt khác, những trường hợp có tổn thương phổi, các tế bào nhiễm virus sẽ bị vỡ và giải phóng vật liệu di truyền của virus. Những vật liệu này không gây bệnh nhưng vẫn bị bài xuất ra khỏi phổi. Đó là lý do vì sao xét nghiệm ở những hệ thống nhạy có vật liệu này vẫn cho kết quả dương tính.

“Cần lưu ý dương tính do phát hiện vật liệu di truyền của virus không có nghĩa là nhiễm bệnh. Ở những bệnh nhân khỏi bệnh, có người không có triệu chứng gì. Nhưng một số người sẽ bị ho, khó chịu do tiết ra chất nhầy để đào thải những tế bào tổn thương còn sót lại, lẫn trong đó sẽ có những vật liệu di truyền của virus. Lúc này khi lấy mẫu có thể ra kết quả xét nghiệm dương tính”, BS Thái nhấn mạnh.

Theo BS Thái, khi gặp những trường hợp như vậy, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện thêm các thử nghiệm như kiểm tra xem bệnh nhân có kháng thể hay không, hay nuôi cấy xem virus có nhân lên hay không… Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào về khả năng lây nhiễm của bệnh nhân sau khi đã hồi phục.

“Chính vì vậy nên mọi người có thể yên tâm về mức độ lây nhiễm. Tuy nhiên các cơ sở y tế vẫn phải tiếp tục giữ những bệnh nhân sau hồi phục để phục vụ công tác giám sát, nghiên cứu nhằm hiểu biết rõ hơn về cơ chế gây bệnh của loại virus còn rất mới với y học hiện tại này”, ông Thái nói.  

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN