Thứ bảy, 18/01/2025 | 12:13
RSS

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão sẽ đổ bộ vào Nam Định - Thanh Hóa

Thứ bảy, 01/08/2020, 14:22 (GMT+7)

Chiều mai 2/8, áp thấp nhiệt đới sau khi mạnh lên thành bão khả năng sẽ đổ bộ trực tiếp vào đất liền các tỉnh Nam Định - Thanh Hóa.

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão sẽ đổ bộ vào Nam Định - Thanh Hóa

Hình ảnh áp thấp nhiệt đới. Ảnh: TTKTTV

Chiều mai 2/8, áp thấp nhiệt đới sau khi mạnh lên thành bão khả năng sẽ đổ bộ trực tiếp vào đất liền các tỉnh Nam Định - Thanh Hóa

Ngày 1/8, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp trực tuyến với 21 tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Định trước tình hình áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão và đổ bộ vào đất liền.

Cơ quan khí tượng nhận định ban đầu, các hình thái cực đoan trên Biển Đông sẽ ảnh hưởng lớn tới thời tiết các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, gây ra đợt mưa lớn diện rộng kéo dài nhiều ngày.

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết rạng sáng cùng ngày, áp thấp nhiệt đới ở vị trí ngang với tỉnh Quảng Bình, cách bờ biển nước ta 450 km về phía đông. Trong hôm nay, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Trong 24 giờ qua, hình thái này di chuyển ổn định theo hướng tây tây bắc với bán kính hoàn lưu rất rộng. Vùng xoáy bên trong tâm lên đến hàng trăm km nên gây ra khó khăn cho cơ quan khí tượng trong việc xác định cấu trúc, hệ thống mây đối lưu của cơn này.

Theo Cơ quan dự báo Hong Kong, áp thấp nhiệt đới sau khi thành bão sẽ đổ bộ vào Vịnh Bắc Bộ. Khi đi vào đất liền, trọng tâm của bão có thể nằm tại khu vực Thanh Hóa giáp với phía nam đồng bằng Bắc Bộ. Thời gian đổ bộ vào chiều 2/8.

Trong 24 giờ qua, hình thái này di chuyển ổn định theo hướng tây tây bắc với bán kính hoàn lưu rất rộng. Vùng xoáy bên trong tâm lên đến hàng trăm km nên gây ra khó khăn cho cơ quan khí tượng trong việc xác định cấu trúc, hệ thống mây đối lưu của cơn này.

Vùng xoáy của tâm bão có thể nằm ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Trọng tâm bão đi vào được nhận định là khu vực từ Nam Định đến Thanh Hóa, đổ bộ vào thời điểm từ 15h-18h ngày 2/8.

Ngoài ra, hoàn lưu bão gây mưa lớn trên một phổ khá rộng với lượng mưa nhiều nơi có thể trên 500 mm/đợt. Trong khi đó, khu vực đổ bộ có hoạt động kinh tế, du lịch biển sôi động nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai họp trực tuyến với 21 tỉnh, thành phố để bàn về phương án đối phó nếu áp thấp nhiệt đới chuyển thành bão.

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với các địa phương tập trung đảm bảo an toàn trên biển. Ngoài các tàu thuyền đang hoạt động, lực lượng chức năng cần tập trung bảo vệ 25.000 lồng bè đang sản xuất. 

Ngoài ra, các khu vực ven biển, đồng bằng, đô thị là những nơi bão có thể đổ bộ trực tiếp, kinh nghiệm cho thấy thiệt hại về người tại đây không nhiều nhưng thiệt hại kinh tế rất lớn.

Thiên Thanh (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN