Thứ ba, 23/04/2024 | 17:49
RSS

Ăn thịt lợn chết, người đàn ông ở Sơn La mất mạng đau đớn

Thứ bảy, 29/06/2019, 21:02 (GMT+7)

Trước đó ông H. cùng một số người khác có tập trung mổ một con lợn chết để ăn. Sau đó, ông H. lâm tình trạng sốt cao, mệt lả, trên da xuất hiện các ban hoại tử, khó thở rồi tử vong.

Sơn La: Mổ lợn chết làm cơm, người đàn ông mất mạng
Đặc trưng của bệnh liên cầu khuẩn là các vết hoại tử trên da

Sáng 29/6, bác sĩ Đoàn Vũ Hưng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Mã (Sơn La) cho biết, bệnh viện đã ghi nhận một trường hợp tử vong nghi do nhiễm liên cầu lợn.

Bệnh nhân là ông Cầm Văn H. (48 tuổi, trú tại xã Mường Hung, Sơn La) được chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Mã ngày 27/6 trong tình trạng nguy kịch do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. 

Theo lời kể của gia đình, trước đó ông H. cùng một số người khác có tập trung mổ một con lợn chết để ăn. Khi tham gia giết mổ, trên tay ông H. có vết thương hở. Đây có thể là nguồn lây nhiễm trực tiếp của bệnh liên cầu lợn.

Sau đó, ông H. lâm tình trạng sốt cao, mệt lả, trên da xuất hiện các ban hoại tử, khó thở. Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng ông H. vẫn không qua khỏi.

Các bác sĩ khuyến cáo, vi khuẩn liên cầu lợn Streptococcus suis (S.suis) đặc biệt nguy hiểm, có thể gây bệnh viêm màng não mủ hoặc nhiễm trùng huyết.

Bệnh viêm màng não thường sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác… xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hoá với triệu chứng sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run... trước khi có biểu hiệu của viêm màng não.

Bệnh liên cầu khuẩn lợn gây ra nhiều tổn thất về sức khỏe và kinh tế cho cộng đồng. Nhiều bệnh nhân bị điếc sau khi mắc bệnh và một số trường hợp tử vong do không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chi phí điều trị có khi lên đến cả trăm triệu đồng do bệnh nhân phải thở máy, lọc máu và nằm điều trị dài ngày ở bệnh viện.

Vì vậy, để tránh mắc liên cầu khuẩn lợn, người dân không nên mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Thịt lợn phải nấu chín. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn. Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.

Mai Anh
Theo Đời sống Plus/GĐVN