Thứ năm, 28/03/2024 | 23:51
RSS

Ăn măng tươi theo cách này có thể tử vong

Thứ bảy, 17/12/2016, 16:18 (GMT+7)

Măng tươi là thực phẩm yêu thích đặc biệt của người dân trong dịp Tết. Tuy nhiên nếu không biết cách sử dụng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Thậm chí có thể tử vong.

Trong măng tre có nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu và khoáng chất như selen, kali. Những chất này rất có lợi trong hoạt động của hệ tim mạch. Măng tre cũng giàu chất xơ, giúp đào thải cholesterol ra khỏi cơ thể. Từ đó thanh lọc giúp hoạt động của hệ động mạch tốt hơn rất nhiều. 
 
Đặc biệt, măng tre giàu chất chống oxy hóa, giúp loại bỏ các gốc tự do và chất phytosterol tự nhiên, góp phần chống ung thư Chất chống oxy hóa có thể loại bỏ các gốc tự do gây ung thư, trong khi phytosterol tự nhiên trong măng giúp ức chế sự tăng trưởng và đột biến của các khối u. 

Chế biến măng phải cẩn thận nếu không sẽ cực kỳ nguy hại cho sức khỏe
 
Măng còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho các hoạt động trơn tru của cơ thể. Măng tre giúp nâng cao khả năng miễn dịch. Sự hiện diện của các vitamin thiết yếu như vitamin A, C, E, và B giúp tăng cường chức năng miễn dịch.
 
Tuy nhiên, một số loại măng, đặc biệt là măng tươi có thể gây ngộ độc, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không biết cách chế biến.
 
Bởi trong măng tươi có chứa hàm lượng cyanide rất cao, khoảng 230mg/kg măng củ. Cyanide là một gốc acid (-CN) mà hợp chất của nó bao gồm các muối hoặc acid, có đặc tính rất độc, liều gây tử vong qua đường tiêu hóa là 1mg/kg trọng lượng cơ thể.
 
Khi người ăn phải măng có chứa nhiều cyanide, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide ngay lập tức biến thành acid cyanhydric (HCN), là một chất cực độc với cơ thể.
 
Trong cơ thể, cyanide tác động lên chuỗi hô hấp tế bào bằng cách làm bất hoạt các enzym sắt của cytocromoxydase hoặc warburgase, là nguyên nhân gây tình trạng thiếu ôxy tế bào và toan chuyển hóa nặng.
 
Ngoài ra, độc tố cyanide trong măng khi vào cơ thể sẽ kết hợp với các enzym tiêu hóa biến thành axit cyanhydric cực độc gây đau đầu, nôn, khó thở, tụt huyếp áp, hôn mê, co giật...
 
Để đảm bảo an toàn, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân nên ngâm và luộc măng nhiều lần, thay nước sau mỗi lần luộc, khi nước sôi nhớ mở vung. Khi nghi ngờ măng độc, tuyệt đối không ăn.
 
Những quan niệm sai lầm như uống nước măng tươi để hạ sốt và chữa bệnh, măng không nên nấu kĩ vì sợ mất chất, măng ngâm dấm chưa đủ thời gian đã ăn... là những suy nghĩ sai lầm và là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ngộ độc măng nguy hiểm.
Hòa Bình (T/H)
Theo Đời sống Plus