Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:30
RSS

Ấn Độ cấp phép thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người

Thứ ba, 30/06/2020, 14:35 (GMT+7)

Giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 trên người sẽ bắt đầu từ đầu tháng 7 tới.

 Ấn Độ cấp phép thử nghiệm vaccine trên người
 Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 9/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ấn Độ đã cho phép công ty Bharat Biotech tiến hành thử nghiệm ở người vaccine tiềm năng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Đây là vaccine tiềm năng đầu tiên của Ấn Độ được chính phủ nước này cho phép thử nghiệm ở người. 

Trong một thông báo đưa ra ngày 29/6, công ty Bharat Biotech cho biết Cơ quan Kiểm soát Thuốc của Ấn Độ đã phê duyệt cho công ty tiến hành thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn I và II đối với vaccine Covaxin. Dự kiến, các cuộc thử nghiệm lâm sàng sẽ bắt đầu trên cả nước trong tháng 7 tới. Covaxin do công ty Bharat Biotech phối hợp với Viện Virus học Quốc gia thuộc Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ phát triển.  

Đến nay, chưa có vaccine ngừa Covid-19 nào được cấp phép cho sử dụng thương mại. Tuy nhiên, hơn chục loại vaccine trong số hơn 100 loại được phát triển trên toàn cầu đang được thử nghiệm trên người. 

Trong khi đó, Ấn Độ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội mặc dù giới chuyên gia lo ngại về tình trạng số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng ở đất nước hơn 1,3 tỷ dân này.

Trong thông báo ngày 29/6, Bộ Nội vụ Ấn Độ cho biết Chính phủ sẽ cho phép thêm nhiều chuyến bay nội địa và các chuyến tàu hỏa giữa các bang hoạt động. Lệnh giới nghiêm ban đêm sẽ được rút ngắn hơn để cho phép người dân làm việc hoặc đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng, cũng như để hàng hóa lưu thông nhiều hơn. Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 1 - 31/7 tới.

Các trường học, tàu điện ngầm trong thành phố, rạp chiếu phim, phòng tập thể dục và bể bơi sẽ duy trì đóng cửa. Trong khi đó, hoạt động tại những “vùng kiểm soát dịch” sẽ vẫn bị hạn chế nghiêm ngặt.

Hiện Ấn Độ là vùng dịch Covid-19 lớn thứ 4 trên thế giới với tổng cộng gần 550.000 ca mắc, trong đó có 16.475 ca tử vong tính đến ngày 29/6. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế của quốc gia Nam Á này trở nên khó khăn do các biện pháp phong tỏa để phòng dịch, nhà chức trách nỗ lực nối lại các hoạt động kinh tế trong khi duy trì “các vùng kiểm soát dịch” nhằm ngăn chặn dịch lây lan.

Đầu tháng 6 vừa qua, Chính phủ quyết định triển khai giai đoạn 1 nới lỏng các biện pháp hạn chế hoạt động, theo đó cho phép các địa điểm tôn giáo, khách sạn, nhà hàng và trung tâm thương mại mở cửa trở lại.

Kim Hảo (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN