Thứ năm, 25/04/2024 | 18:24
RSS

Alphanam E&C (AME): Thế chấp cổ phiếu để vay nợ cùng với dòng tiền kinh doanh âm

Thứ năm, 13/10/2022, 11:04 (GMT+7)

Không chỉ có Alphanam E&C, việc thế chấp cổ phiếu là phương án được các doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" của Tập đoàn Alphanam thường xuyên lựa chọn để làm tài sản sản đảm bảo cho các khoản vay nợ tại ngân hàng.

Hệ sinh thái dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo

Mới đây, CTCP Alphanam E&C (MCK: AME) vừa có văn bản số 1179/2022/CBTT-AME công bố thông tin Nghị quyết HĐQT số 1151/2022/NQ-HĐQT về việc bổ sung tài sản để đảm bảo cho hạn mức tín dụng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chi nhánh Ba Đình.

Alphanam E&C AME thế chấp cổ phiếu để vay nợ cùng với dòng tiền kinh doanh âm

Theo đó, Alphanam E&C phê duyệt phương án bổ sung là dùng tổng cộng 40 triệu cổ phiếu AME (trong đó, 39 triệu cổ phiếu AME thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư Alphanam và 1 triệu cổ phiếu AME thuộc sở hữu của ông Nguyễn Minh Nhật - Thành viên HĐQT Alphanam E&C) làm tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ tín dụng của doanh nghiệp này tại SHB chi nhánh Ba Đình.

Đáng nói, doanh nghiệp này mới hoàn tất phát hành riêng lẻ cho CTCP Đầu tư Alphanam (39 triệu cổ phiếu AME) và ông Nguyễn Minh Nhật (1 triệu cổ phiếu AME)- đúng bằng số cổ phiếu vừa mang đi thế chấp. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, bị hạn chế giao dịch trong vòng 1 năm.

Theo văn bản số 689/2022/AME-BC báo cáo thay đổi phương án sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành, AME sử dụng 169,861 tỷ để trả gốc và lãi vay ngân hàng; 229,944 tỷ để trả các hợp đồng cung cấp vật tư, hàng hóa xây lắp công trình và 0,194 tỷ đồng tăng vốn trong năm 2022.

Trở lại với việc bổ sung thêm tài sản đảm bảo bằng 40 triệu cổ phiếu AME của Alphanam E&C, động thái này diễn ra trong bối cảnh hợp đồng cấp hạn mức tín dụng ký năm 2021 sẽ đáo hạn vào ngày 24/11.

Đáng chú ý, không chỉ có Alphanam E&C, việc thế chấp cổ phiếu là phương án được các doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" của Tập đoàn Alphanam thường xuyên lựa chọn để làm tài sản sản đảm bảo cho các khoản vay nợ tại ngân hàng.

Tháng 12/2021, Alphanam đã thế chấp hơn 15 triệu cổ phiếu AME thuộc sở hữu của Alphanam để đảm bảo cho khoản vay của Công ty cổ phần Delta Việt Nam tại ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội – Phòng giao dịch Sao Việt.

Cuối năm 2021 Alphanam và các thành viên đã thế chấp tổng cộng 60 triệu cổ phần trong Công ty Cổ phần Địa ốc Alphanam.

Cụ thể, Alphanam thế chấp 15,6 triệu cổ phần; ông Nguyễn Minh Nhật (thành viên hội đồng quản trị Alphanam, phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Alphanam E&C - con trai cả của đại gia Nguyễn Tuấn Hải) thế chấp 9 triệu cổ phần; bà Nguyễn Ngọc Mỹ (thành viên Hội đồng quản trị Alphanam Group, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Alphanam – con gái của ông Nguyễn Tuấn Hải) thế chấp 17,3 triệu cổ phần; Đỗ Thị Minh Anh (vợ ông Nguyễn Tuấn Hải) thế chấp 9 triệu cổ phần; ông Nguyễn Tuấn Hải (Chủ tịch Tập đoàn Alphanam – Alphanam Group) thế chấp 9 triệu cổ phần.

Năm 2018, CTCP Đầu tư Alphanam và gia đình ông Nguyễn Tuấn Hải đã thế chấp 90 triệu cổ phần CTCP Địa ốc Alphanam tại Shinhan Investment Corp.

Khoản lãi khủng nhưng dòng tiền kinh doanh âm

Theo báo cáo tài chính quý II/2022 của AME, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần trong quý đạt 316,21 tỷ đồng, giảm 47% so với mức thực hiện cùng kỳ năm ngoái là 596,21 tỷ đồng. Trừ giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ là 35,68 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (quý II/2021 chỉ đạt 18,25 tỷ đồng do giá vốn hàng bán cao).

Alphanam E&C AME thế chấp cổ phiếu để vay nợ cùng với dòng tiền kinh doanh âm

Lợi nhuận trước thuế dù chỉ đạt 10,4 tỷ đồng do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt 188% lên 8,89 tỷ đồng, nhưng vẫn tăng khoảng 8,7 lần so với mức thực hiện chưa đầy 1,2 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế 8,27 tỷ đồng, tăng vọt hơn 9 lần (cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 895,5 triệu đồng).

Theo giải trình của AME, sở dĩ lợi nhuận sau thuế quý II/2022 tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do tiết kiệm chi phí, thay đổi phương án, công nghệ thi công cho các dự án.

Về tình hình tài chính, tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của AME tăng lên 3.595,04 tỷ đồng từ mức 2.903,27 tỷ đồng vào đầu năm, tức tăng 23,8%. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 2.292,19 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 1.302,85 tỷ đồng.

Mặc dù tổng tài sản tăng mạnh so với con số đầu năm, tuy nhiên khi đi sâu vào chi tiết thì khoản mục phải thu ngắn hạn có giá trị 1.713,99 tỷ đồng, tăng 74% so với đầu năm và tương đương 47,7% tổng tài sản. Trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng là 1.591 tỷ đồng.

Các khoản phải thu là một phần của vốn lưu động của công ty. Việc quản lý các khoản phải thu là điều rất quan trọng bởi nó cung cấp thêm vốn để giảm nợ ròng và hỗ trợ các hoạt động của công ty. Nếu như chỉ số này không được kiểm soát cẩn thận sẽ dẫn đến nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ đang âm 3,3 tỷ đồng là nguyên nhân khiến tiền và tương đương tiền của AME giảm từ 25,4 tỷ đồng vào đầu năm xuống 22,1 tỷ đồng vào thời điểm 30/6/2022. Đáng chú ý, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm 124,9 tỷ đồng.

Với doanh nghiệp, mục tiêu kinh doanh có lợi nhuận luôn là một trong những ưu tiên được đặt lên hàng đầu. Trong đó, doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, hoàn thành vượt kế hoạch luôn mang tính tích cực và tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, tất cả những điều đó chưa đủ để đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp nếu bỏ qua yếu tố dòng tiền.

Trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp, dòng tiền kinh doanh biểu thị cho việc hoạt động kinh doanh có thu được tiền về không. Nếu dòng tiền âm hoặc dương không đáng kể có thể cho thấy tình hình tài chính có vấn đề, chẳng hạn, bán hàng không thu được tiền, hay bị nghi ngờ là ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ảo.

Cũng theo các chuyên gia, trong các báo cáo tài chính mà các công ty công bố thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể coi là báo cáo quan trọng nhất. Nguyên nhân là do báo cáo này chỉ ra được xu hướng dòng tiền của doanh nghiệp, tại sao làm ăn có lãi mà thường xuyên thiếu tiền, trên cơ sở đó giúp đánh giá về khả năng trang trải công nợ, chi trả cổ tức trong tương lai của doanh nghiệp.

"Có những trường hợp công ty có lợi nhuận, nhưng hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền dương, bị chôn vốn, nguồn tiền thu về chậm, dẫn tới sự nguy hiểm trong tình hình tài chính, gặp khó khăn trong thanh toán công nợ, cũng như không thể chi trả cổ tức cho cổ đông", một chuyên gia phân tích.

Mặt khác, tại thời điểm cuối tháng 6/2022, nợ phải trả của AME hiện đang 2.837 tỷ đồng so với con số đầu năm ở mức 2.558 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ ở mức 758 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của AME vào lúc này đang là 3,74 lần, một chỉ số rất đáng quan ngại.

Theo phân tích của các chuyên gia, việc nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu có nghĩa là tài sản của Văn Phú - Invest được tài trợ chủ yếu bởi nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ càng lớn.

PV
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại