Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:01
RSS

Ai chống lưng cho nữ đại gia 'xẻ thịt' đất Bình Dương?

Thứ sáu, 19/06/2020, 13:42 (GMT+7)

Hàng chục khu đất rộng lớn, vốn là đất phi nông nghiệp, đất sản xuất, thậm chí cả đất công viên cây xanh… đã được UBND tỉnh Bình Dương giao đất chớp nhoáng cho nhóm công ty của nữ đại gia “khét tiếng” Phạm Thị Hường. Liệu rằng nhóm lợi ích nào đang chi phối, xâu xé quỹ đất đai rộng lớn để thu lời bất chính?

Ai chống lưng cho nữ đại gia 'xẻ thịt' đất Bình Dương?

Đằng sau những phi vụ “đi đêm” giao đất cho nhóm Công ty Phú Hồng Thịnh là nhóm lợi ích nào ở Bình Dương? - Ảnh: dự án nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh 10.

Chiêu thức giao đất như “cho không”

Thời gian qua, nhiều người dân Bình Dương vẫn không khỏi tò mò, ngạc nhiên khi những khu đất rộng hàng chục nghìn m2, vị trí mặt đường đẹp, đất của những nhà máy, xí nghiệp, có nguồn gốc đất phi nông nghiệp… đều lần lượt về tay nhóm doanh nghiệp tư nhân của bà Phạm Thị Hường ở Bình Dương (Công ty TNHH bất động sản Phú Hồng Thịnh, Công ty TNHH TMDV Bất động sản Phú Phong, Công ty TNHH Quản lý đầu tư & Phát triển Đô thị Việt Nam).

Trong số này, Công ty Phú Hồng Thịnh có vốn điều lệ 250 tỉ đồng, đặt địa chỉ tại số 18B Nguyễn Văn Tiết, phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Đây cũng là địa chỉ thường trú của bà Phạm Thị Hường, cổ đông lớn nhất nắm 89% vốn công ty này. Các nhà liền kề nhà số 18 đều là nơi đặt địa chỉ 3 công ty có liên quan tới các giao dịch đất đai lớn của bà Hường.  

Chỉ trong vòng ba năm (2017-2019), nhóm công ty của “bà trùm” đất nền Phạm Thị Hường đã được UBND tỉnh Bình Dương giao tổng cộng hơn 500.000m2 đất và nhanh chóng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở đô thị để làm gần 20 dự án nhà ở thương mại. Sau đó, các dự án đều được phân lô bán nền, chuyển nhượng sang tay nhiều người một cách nhanh chóng.

Điển hình như tỉnh Bình Dương đã liên tục kí quyết định giao đất cho nhóm công ty của bà Phạm Thị Hường để triển khai 10 dự án nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh (từ 1 đến 10). Tổng diện tích đất được giao lên tới 26,48ha và Bình Dương cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thành đất ở đô thị, để bà Trùm nhanh cóng "hô biến" thành hơn 1.900 lô đất nền. Đơn cử, dự án khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh 8 được phân thành 658 lô đất nền, cho phép người dân tự xây dựng; dự án Phú Hồng Thịnh 9 (348 lô đất nền), dự án Phú Hồng Thịnh 10 (269 lô đất nền).

Ngoài ra, các dự án khu dân cư Phú Vinh, Phú Gia, Phú Hồng Đạt… được giao đất từ 0,8 ha đến 3ha đều nhanh chóng được “xẻ thịt” để phân thành hàng trăm nền đất, bán sang tay.

Con đường thâu tóm quỹ đất đai màu mỡ ở Bình Dương của “bà Trùm” Phạm Thị Hường có lẽ không thể suôn sẻ, chóng vánh nếu như không có sự hậu thuẫn từ chính quyền.

Theo Quyết định 01/QĐ-UBND ngày 2/1/2018, UBND tỉnh Bình Dương đã thu hồi 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận công trình của Công ty TNHH Vật liệu Xây dựng Ý Mỹ (đã được cấp giai đoạn 2001-2012). Công ty này chuyên sản xuất gốm sứ lâu năm, có quỹ đất lớn mà nhiều đại gia bất động sản “săn lùng”, muốn thâu tóm từ lâu.

Ngay trong Quyết định 01 do ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch Thường trực tỉnh Bình Dương kí ban hành, đã cho phép Công ty TNHH Bất động sản Phú Hồng Thịnh được chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với tổng diện tích 72.994,6m2 tại phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, mục đích để làm dự án nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh 8. Trong đó, chủ đầu tư được chuyển đổi 44.682,5m2 thành đất ở tại đô thị, 1.912,6m2 là đất thuê trả tiền một lần với đất giáo dục nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất là 26.399,5m2 để làm khu vui chơi, cây xanh, đường giao thông. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm, đến năm 2068.

Bên cạnh đó, thay vì dự án phải bố trí quỹ đất dành cho nhà ở xã hội thì tỉnh đã cho phép Công ty Phú Hồng Thịnh nộp tiền tương ứng với giá trị 20% quỹ đất nhà ở xã hội tại dự án Phú Hồng Thịnh 8 theo quy hoạch chi tiết được duyệt; nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…

Tương tự, tại dự án nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh 10, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định 939/QĐ-UBND ngày 12/4/2018 về thu hồi 2 giấy chứng nhận sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với khu đất 51.466m2 của CTCP Vật tư Thiết bị và Xây dựng Công trình 624. Đồng thời, tỉnh đã cho phép Công ty TNHH Bất động sản Phú Hồng Thịnh được sử dụng khu đất 53.584,7m2 tại đây để làm dự án nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh 10. Trong đó, có 26.897,8m2 là đất ở đô thị được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất; 6.597,9m2 đất thuê trả tiền một lần, khoảng 19.671,2m2 đất giao không thu tiền sử dụng đất… Ngoài ra, còn 417,8m2 đất thuộc hành lang an toàn đường bộ mà công ty cũng được quản lý, sử dụng.

Ngạc nhiên hơn, trong Quyết định 939 lại có phần đất "dôi" ra hơn 2.118,7m2 được giao cho Công ty Phú Hồng Thịnh sử dụng làm dự án, nhưng không rõ số đất này nằm ở đâu, có nguồn gốc đất như thế nào?

Qua các quyết định nêu trên, có thể thấy tỉnh Bình Dương đã liên tục giao đất lớn cho doanh nghiệp tư nhân làm dự án nhà ở thương mại, mà không thực hiện giao đất thông qua đấu giá, đấu thầu như Luật Đất đai và các quy định pháp luật Điều này đặt ra hoài nghi về những căn cứ nào để xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trả tiền một lần mà Bình Dương đã áp dụng cho doanh nghiệp này, liệu có làm thiệt hại, thất thu tiền thuế của Nhà nước hay không?

Ai tiếp tay bán rẻ đất công cho tư nhân?

Bằng con đường gom đất nhà máy, xí nghiệp giá bèo, nhóm công ty của “bà Trùm” Phạm Thị Hường đã thâu tóm hàng chục khu đất rộng lớn, có giá trị thương mại cao sau khi phân lô bán nền.

Đặc biệt là các khu đất lớn bám dọc các trục đường lớn như ĐT743, ở hai địa phương Thuận An và Dĩ An vừa được nâng cấp từ thị xã lên Thành phố thuộc tỉnh đều đã bị bà Hường “thôn tính” như: Công ty TNHH Sản xuất Dịch vụ Thương mại Lộc Phát, Công ty TNHH Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Thương mại Thiên Phát (dự án Phú Hồng Đạt); Công ty TNHH sứ kỹ thuật Minh Long (dự án Phú Hồng Phát); Công ty TNHH Tấn Thành; Công ty TNHH Tấn Tài (dự án Phú Gia Huy); Công ty Sản xuất Thương mại Dịch vụ Trúc Lâm (dự án Phú Hồng Khang); CTCP trang trí nội thất Hiệp Hòa Phát (dự án Phú Hồng Thịnh 9); CTCP Cơ khí Xây dựng Công trình 623 (dự án Phú Hồng Thịnh 6); Công ty TNHH Vật liệu Xây dựng Mỹ Ý (dự án Phú Hồng Thịnh 8); CTCP Cơ khí Xây dựng Công trình 624 (dự án Phú Hồng Thịnh 10)…

Ai chống lưng cho nữ đại gia 'xẻ thịt' đất Bình Dương?

Quá trình xét duyệt, thẩm định hồ sơ giao đất và cho phép chuyển đổi làm dự án nhà ở dạng phân lô bán nền có vi phạm pháp luật, thì trách nhiệm thuộc về các cá nhân, tập thể nào ở Bình Dương?

Được biết, từ năm 2015 đến nay UBND tỉnh Bình Dương đã liên tiếp ban hành các quyết định giao đất ít nhất 17 lần cho nhóm công ty của bà Hường, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm các dự án nhà ở thương mại. Trong khi nhiều doanh nghiệp khác khổ sở vì các thủ tục hành chính, quy trình phức tạp liên quan đất đai, thì không hiểu bằng cách nào, các dự án của nhóm công ty Phú Hồng Thịnh vẫn dễ dàng được duyệt hồ sơ, được giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất với tốc độ “siêu tốc”, trung bình cứ 1,5 tháng lại được giao một khu đất làm dự án dưới dạng phân lô bán nền?

Không chỉ vậy, Điều 118 Luật Đất đai quy định các trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để bán, doanh nghiệp muốn Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, thì buộc phải tuân theo hình thức đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất.

Điều 22 và 23 Luật Nhà ở 2014 quy định muốn xây nhà ở thương mại để bán, chủ đầu tư phải "sử dụng diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp để xây dựng", hoặc "nhận chuyển quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng".

Thế nhưng, tất cả các dự án xây nhà ở thương mại của nhóm công ty Phú Hồng Thịnh và bà Phạm Thị Hường đều không có quyền sử dụng đất ở hợp pháp, không nhận đất thông qua phương thức Nhà nước đấu giá đất…

Ai chống lưng cho nữ đại gia 'xẻ thịt' đất Bình Dương?

Dự án khu dân cư Phú Hồng Thịnh 8 được phân thành 658 lô đất nền.

Khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai tại nhiều địa phương năm 2018, đã phát hiện hàng loạt tồn tại, vi phạm của nhiều địa phương. Đặc biệt là một số địa phương không thực hiện lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất mà ban hành văn bản công nhận chủ đầu tư theo hình thức chỉ định, vi phạm luật đấu thầu và các quy định hiện hành.

Theo Kiểm toán Nhà nước, các địa phương đã cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với một số dự án không đúng đối tượng, giao đất không có trong kế hoạch sử dụng đất, tính giá đất rẻ hơn rất nhiều lần so với quy định…

Điển hình là phát hiện 6 trường hợp tại Bình Dương được tính giá thu tiền sử dụng đất cho từng dự án theo phương pháp so sánh, thì có số tiền sử dụng đất bị thấp hơn tới 867% so với khi xác định giá đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất. Sau khi xác định lại, số tiền sử dụng đất phải nộp của 4 dự án tăng thêm hơn 79,1 tỉ đồng.

Hơn thế nữa, lợi dụng việc Bình Dương xưa nay nhiều khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp được Nhà nước cho thuê quỹ đất lớn, bà Phạm Thị Hường đã bằng cách nào đó để những doanh nghiệp này chuyển nhượng lại đất sản xuất (hoặc tài sản gắn liền trên đất thuê hàng năm). Sau đó, tỉnh Bình Dương lập tức giao đất thuê trên cho bà Hường, đồng thời chuyển mục đích sử dụng sang đất ở đô thị, cho phép phân lô, bán nền để bán ra thị trường với giá từ 20-25 triệu đồng/m2. Ước tính số tiền chênh lệch từ “buôn rẻ bán đắt” của hàng chục dự án phân lô bán nền đất này có thể lên tới cả nghìn tỉ đồng.  

Với các chiêu thức tương tự lặp lại tại nhiều dự án, nhóm công ty của bà Hường đã “thâu tóm” được rất nhiều đất công một cách bất hợp pháp, thu lợi cá nhân bất chính, và nguy cơ làm ngân sách Nhà nước thất thoát lớn. Đơn cử, dự án khu nhà ở thương mại Phú Hồng Đạt được tạo thành từ 4 khu đất thuê của Nhà nước, đất trồng cây lâu năm, đất công... có tổng diện tích cả khu đất là 29.556,6m2. Sau này, UBND tỉnh Bình Dương lại báo cáo tổng diện tích dự án là 30.400m2, tức là “dôi” thêm hơn 840m2.

Trước hàng loạt phi vụ giao đất chóng vánh để cho các doanh nghiệp tư nhân thâu tóm, “xẻ thịt” để buôn bán, thu lời rất lớn thì liệu chính quyền tỉnh Bình Dương và các cơ quan có thẩm quyền có phớt lờ quy định pháp luật, để doanh nghiệp “lộng hành” buôn đất, trục lợi? Quá trình xét duyệt, thẩm định hồ sơ giao đất và cho phép chuyển đổi làm dự án nhà ở dạng phân lô bán nền có vi phạm pháp luật, thì trách nhiệm thuộc về các cá nhân, tập thể nào ở Bình Dương, rất cần cơ quan công an vào cuộc điều tra làm rõ.

Trung Hải
Theo Ngày Nay