Bà Thi Thị Lệ Huệ - Phó trưởng Khoa kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS huyện Hòa Vang, người tham gia trực tiếp điều trị F0 tại nhà cho biết, điều kiện về cơ sở vật chất tại nơi F0 cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà là nhà ở riêng lẻ. Nhà ở phải có phòng cách ly điều trị riêng và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình...
Đà Nẵng lập các trạm y tế lưu động để điều trị F0 tại nhà. Ảnh: D.B
Các y, bác sĩ làm việc tại trạm y tế lưu động sẽ sàng lọc những bệnh nhân thể nhẹ để giữ lại điều trị theo phác đồ. Những trường hợp bệnh nặng hoặc có bệnh lý nền sẽ được chuyển lên bệnh viện tuyến trên chữa trị.
"Trong 2 ngày đầu, nhân viên y tế sẽ đến nhà đưa thuốc cho bệnh nhân, hỗ trợ nhiệt kế, máy đo SPO2 để theo dõi sức khỏe hằng ngày. Các bệnh nhân cũng được hướng dẫn khai báo y tế hằng ngày. Việc điều trị tại nhà giúp tâm lý của bệnh nhân thoải mái rất nhiều, từ đó bệnh nhân cũng nhanh khỏi bệnh hơn", Phó trưởng Khoa kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS huyện Hòa Vang Thi Thị Lệ Huệ chia sẻ.
Trong giai đoạn thí điểm, mỗi quận chọn 1 phường lập trạm y tế lưu động để thực hiện việc cách ly, điều trị F0 tại nhà. Ảnh: D.B
Tại quận Liên Chiểu cũng đã lập sẵn 10 trạm y tế lưu động trên địa bàn 5 phường, khi TP mở rộng điều trị điều trị F0 tại nhà thì sẽ sẵn sàng kích hoạt.
Hiện nay, quận đang chọn trạm y tế lưu động ở phường Hòa Hiệp Bắc với đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ để thực hiện thí điểm điều trị F0.
Tại các trạm y tế lưu động đều có đầy đủ thiết bị để phục vụ cho việc điều trị các F0. Ảnh: D.B
Ông Hoàng Tâm - Trạm trưởng trạm Y tế lưu động Phường Hòa Hiệp Bắc cho biết, các điều kiện quan trọng để F0 điều trị tại nhà là người trên 18 tuổi, không có bệnh nền, không có triệu chứng và điều kiện gia đình đảm bảo.
Theo ông Tâm, việc điều trị F0 tại nhà sẽ giúp giảm tải cho tuyến trên, bên cạnh đó tâm lý người bệnh cũng quan trọng khi điều trị tại nhà sẽ thoải mái hơn.
"Qua thời gian thí điểm, tôi thấy F0 không có triệu chứng nên điều trị tại nhà là tốt nhất. Khi nhân viên y tế và người nhà hợp tác tốt thì quá trình điều trị luôn thuận lợi", vị này nói thêm.
Nhân viên y tế sẽ đến nhà đưa thuốc cho bệnh nhân, hỗ trợ nhiệt kế, máy đo SPO2 để theo dõi sức khỏe hằng ngày. Ảnh: D.B
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Trương Văn Trình hay, hiện nay Sở đang trình UBND TP để điều trị F0 tại nhà. Qua thời gian triển khai thí điểm cho thấy cách làm này sẽ giảm tải cho các cơ sở điều trị F0 trên địa bàn, giảm bớt nhân lực và người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.
Việc điều trị F0 tại nhà sẽ giúp giảm tải cho tuyến trên, tạo tâm lý thoải mái cho người bệnh. Ảnh: D.B
Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho hay, TP đã yêu cầu Sở Y tế báo cáo về kết quả thí điểm điều trị F0 tại nhà trong thời gian qua. Đồng thời tham mưu ngay cho TP để triển khai trên diện rộng, với tỉ lệ cao.
"Hiện nay 98% bệnh nhân covid-19 trên địa bàn không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nên chúng ta phải phấn đấu đạt tỷ lệ điều trị F0 tại nhà trong giai đoạn đầu từ 50-70%", bà Yến cho hay.
Phó Chủ tịch Đà Nẵng cũng yêu cầu các đơn vị chức năng có hướng dẫn cụ thể về các vấn đề liên quan khi triển khai điều trị F0 tại nhà trên diện rộng như chế độ cho lực lượng tham gia, xử lý rác thải… Riêng Sở Y tế phải điều chỉnh lại sổ tay điều trị F0 tại nhà để triển khai cho các đơn vị thuận lợi hơn.