Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:18
RSS

8 sai lầm phổ biến khi chăm con ốm của các mẹ khiến trẻ bệnh nặng hơn

Chủ nhật, 11/06/2017, 19:00 (GMT+7)

Trẻ em ốm đau là chuyện “như cơm bữa”, tuy nhiên, vì không có kinh nghiệm, nhiều bà mẹ luống cuống trong chăm sóc con, chăm sai khiến bệnh tình của trẻ càng nặng hơn.

Dưới đây là những sai lầm khi chăm con ốm, bố mẹ cần tránh:

Ủ kín hoặc cởi hết đồ của trẻ khi đang sốt

“Thân nhiệt trẻ đang tăng cao, phải mặc thoáng mát thì mới hạ được sốt thì nhiều bà mẹ lại ủ ấm cho con khiến thân nhiệt càng tăng cao, gây nguy cơ sốt co giật”, PGS.TS Lê Thanh Hải, PGĐ BV Nhi TƯ nói.

Vì vậy, chỉ nên cởi bớt đồ của trẻ chứ không cởi hết, cũng không ủ kín con trong nhiều lớp chăn hoặc áo quần vì sẽ khiến trẻ bị co giật. Hiện tượng này rất nguy hiểm, dẫn đến những tổn thương ở não, gây nên chứng động kinh về sau.

Cố cạy răng khi bé bị co giật

Những bé từ 6 tháng đến 6 tuổi có thể bị co giật khi sốt cao đột ngột. Thường những cơn co giật này kéo dài khoảng 1 phút và tự ngưng. Khi bé co giật biểu hiện thường thấy là mắt trợn ngược lên hay đứng tròng, không biết gì, sùi bọt mép, tay và chân giật từng hồi liên tục.

Trong trường hợp này, điều quan trọng là cha mẹ phải thật bình tĩnh, để bé nằm nghiêng một bên cho đờm nhớt có thể chảy ra ngoài và làm thông thoáng đường thở của bé.

Bạn có thể nhét thuốc hạ sốt vào hậu môn bé và lau ướt người bé bằng nước ấm, chờ một vài phút cho bé hết co giật và thở đều trở lại rồi đưa con đến bệnh viện. Bố mẹ không nên cố cạy miệng bé ra và nhét một vật gì đó vào hay cạo gió cho bé.

sai lầm khi chăm con ốm1

Sai lầm khi chăm con ốm nhiều mẹ mắc phải

Tự làm bác sĩ

Việc tùy tiện dùng thuốc khi chưa có chỉ định là rất nguy hiểm, gây hại cho sức khỏe của trẻ. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, đây là một sai lầm rất đáng trách của các bà mẹ: “Việc tự chữa cho con, chữa theo đơn của bé khác… khiến nhiều trẻ bị biến chứng nặng là viêm phổi, viêm tiểu phế quản do vi rút rất nặng. Những bé này thời gian điều trị sẽ lâu hơn, tốn kém hơn do phải dùng các loại thuốc đắt tiền hơn”.

Lạm dụng paracetamol

Paracetamol là loại thuốc hạ sốt dùng quá phổ biến và chính sự phổ biến này khiến tình trạng ngộ độc paracetamol ngày càng có xu hướng tăng lên. Tại Việt Nam cũng có nhiều ca ngộ độc paracetamol ở trẻ em do dùng thuốc này quá bừa bãi.

Hơn nữa, cùng hoạt chất paracetamol nhưng có rất nhiều loại thuốc với nhiều nhãn hiệu khác nhau. Có những người vừa cho con uống thuốc hạ sốt này, lại uống thêm loại thuốc khác. Hay khi chưa được 4 tiếng con đã sốt lại, nhiều người vẫn vô tư dùng, vì nghĩ cứ sốt là uống mà không lường hết nguy cơ của việc lạm dụng thuốc.

sai lầm khi chăm con ốm2

Kiêng tắm khi bé phát ban

Có khá nhiều bệnh nhiễm trùng gây phát ban ngoài da khoảng vài ngày sau khi sốt như: sởi, rubella, sốt xuất huyết… Điều cần làm là cho bé tắm rửa bình thường thậm chí có thể tắm cho bé nhiều hơn nếu bé chơi làm bẩn người.

Nên cho bé mặc đồ thoáng mát và ăn uống bình thường. Nếu những nốt mụn nước thủy đậu có mủ vàng nên cho bé đi khám bệnh để điều trị bội nhiễm vi trùng.

Tự ý xông mũi họng tại nhà cho trẻ

Khi thấy trẻ có dấu hiệu viêm đường hô hấp, nhiều cha mẹ đã tự mua máy xông mũi họng tại nhà cho trẻ. Điều này vô cùng có hại, bố mẹ tuyệt đối không được thực hiện, bởi lẽ thuốc qua máy xông nhìn tưởng đơn giản nhưng lại có nhiều tác hại. Nếu bị co thắt phế quản đột ngột ngay lúc xông làm cho em bé bị tắt thở luôn.

Hơn nữa, xông như vậy rất tốn kém, mỗi một lần xông phải vứt luôn đi và thay bằng bộ mới. Còn nếu dùng đi dùng lại là ổ nhiễm vi khuẩn, lợi bất cập hại, trẻ thở qua nguồn lây nhiễm bệnh tật trong máy xông.

sai lầm khi chăm con ốm3

Chăm sóc con ốm là điều không dễ dàng với nhiều người làm mẹ lần đầu

Chia nhỏ gói oresol

Sai lầm chết người cũng gặp với oresol tưởng như rất đơn giản trong sử dụng, nhưng nhiều trẻ cũng bị ngộ độc nguy kịch bởi sự “sáng tạo” của người thân.

Nhiều người rất hay có thói quen chia nhỏ gói oresol uống thành nhiều lần, nhất là khi pha cho trẻ nhỏ, trong khi đáng lẽ phải hòa tan hết 1 gói oresol trong 200ml nước mới đảm bảo nồng độ các chất, bù nước cho cơ thể bị mất khi tiêu chảy.

Khi uống oresol với nồng độ quá đặc như thế sẽ khiến hàm lượng muối trong máu tăng lên, gây tình trạng ưu trương (quá nhiều muối trong máu) khiến áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường, “hút” nước từ tế bào, khiến tế bào bị hút hết nước nên bị teo tóp lại.

Lúc này, trẻ có biểu hiện da nhăn, khô, mắt trũng… Điều nguy hiểm nhất lúc này, đó là vì bị hút nước nên tế bào não bị teo tóp lại, gây tổn thương tế bào não, khiến trẻ bị co giật, sốt cao, vật vã, kích thích, hôn mê. Nếu không biết để cấp cứu kịp thời có thể đe dọa tính mạng trẻ.

Cho trẻ uống thuốc quá liều

Trong thực tế điều trị, các bác sĩ gặp phải không ít tình trạng dở khóc dở cười khi một số cha mẹ cho con uống thuốc một cách vô tội vạ. Thấy con nôn, phụ huynh vội thuốc thuốc chống nôn, con nôn lại uống lại vì sợ mất thuốc… dẫn đến quá liều, trẻ bị co giật, cứng cơ toàn thân rất nguy hiểm.

Do đó, khi cho trẻ uống thuốc, nhất thiết cha mẹ cần xem kỹ đơn hướng dẫn sử dụng của bác sĩ, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc và tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định, tránh những sai lầm đáng tiếc có thể nguy hại đến sức khỏe trẻ.

5 món cháo ngon bổ cho “bé còi” nhanh tăng cân. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

L.H (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN

CÙNG CHUYÊN MỤC

Từ việc Bệnh viện Đa khoa Lai Châu tiếp nhận 20 trẻ nhập viện nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã lên tiếng cảnh báo về loại hoá chất này.