Ông Trump và châu Âu
Tổng thống đắc cử Mỹ mới đây miêu tả Liên minh châu Âu (EU) "về cơ bản là một phương tiện cho Đức" và dự đoán rằng EU rồi sẽ phải chứng kiến các quốc gia khác nối gót Anh rời khỏi khối.
Ông cũng bình luận về Thủ tướng Đức Angela Merkel, chỉ ra rằng bà Merkel đã "phạm sai lầm nghiêm trọng" vì cho phép dòng người nhập cư đổ vào châu Âu.
Khi được hỏi về nhận định của Trump nói NATO "lạc hậu", bà Merkel cho rằng "số phận của châu Âu nằm trong tay người châu Âu" và bà sẽ nỗ lực củng cố nền kinh tế châu Âu cũng như chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Ông Trump đang khiến các nhà lãnh đạo châu Âu phản đối. Ảnh: Internet
Bà Federica Mogherini, phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bác bỏ dự đoán về một EU suy yếu của ông Trump. "Tôi nghĩ EU sẽ hợp lực lại cùng nhau, tôi rất tin điều này", bà nói.
Tổng thống Pháp Francois Hollande thì kêu gọi nước Mỹ dưới thời ông Trump không nên "sợ hãi chính mình, và thế giới". Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết ý kiến của ông Trump là điều đáng "kinh ngạc và gây bối rối".
Làn sóng phản đối Trump từ các lãnh đạo châu Âu xuất hiện sau khi tổng thống đắc cử Mỹ cho rằng NATO "lạc hậu" và các nước châu Âu không chịu gánh phần chi phí cho khối.
Ông Trump và Trung Quốc
Tỷ phú Mỹ hôm 13/1 tiếp tục chọc giận Bắc Kinh khi ông nói với Wall Street Journal rằng "mọi điều đang được thương lượng, gồm cả chính sách Một Trung Quốc".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh hôm qua tuyên bố hành động dùng Đài Loan để làm đòn bẩy đàm phán với Trung Quốc không khác gì "tự lấy đá đập vào chân" và sẽ phải đối mặt với sự phản đối từ chính quyền, người dân Trung Quốc cùng cộng đồng quốc tế
Ông Trunp đang khiến Trung Quốc không hài lòng. Ảnh: Internet
Tờ China Daily trong khi đó cảnh báo ông Trump đang "chơi đùa với lửa", nhấn mạnh nếu Đài Loan bị đưa lên bàn đàm phán như lời nhà tài phiệt New York gợi ý, "Bắc Kinh không còn cách nào khác là phải tháo găng tay".
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời, đang chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết.
Tỷ lệ ủng hộ thấp chưa từng thấy
Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày ông Donald Trump tuyên thệ và chính thức trở thành Tổng thống nước Mỹ, nhưng kết quả thăm dò của Viện khảo sát Gallup cho biết có đến 55% người Mỹ được khảo sát bày tỏ quan điểm tiêu cực đối với vị Tổng thống vừa đắc cử.
Cuộc họp báo đầu tiên trong vai trò Tổng thống đắc cử của Trump. Nguồn: ABC News
Trong khi chỉ có 40% người ủng hộ ông trước ngày ông chính thức nhậm chức. Trong 4 đời Tổng thống vừa qua, ông Barack Obama là Tổng thống nhận được nhiều sự ủng hộ nhất với tỷ lệ lên đến 78%.
Sau đó lần được là Tổng thống Bill Clinton với 66% và Tổng thống George W. Bush là 62%. Trong số 4 tổng thống đắc cử Mỹ kể trên, ông Trump là người duy nhất có tỷ lệ không ủng hộ cao hơn tỷ lệ ủng hộ.