Thứ sáu, 22/11/2024 | 00:25
RSS

24 tỉnh, thành đề nghị tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến hết tháng 4

Thứ tư, 15/04/2020, 12:35 (GMT+7)

Sáng 15/4, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã nhận được báo cáo của 58 tỉnh, thành đề xuất phương án giãn cách xã hội sau ngày 15/4 trong đó có 24 tỉnh, thành đề nghị tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến hết tháng 4.

Sáng 15/4, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã nhận được báo cáo của 58 tỉnh, thành đề xuất phương án giãn cách xã hội sau ngày 15/4.

Qua đó có 24 tỉnh, thành đề nghị tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến hết tháng 4; có 3 địa phương đề nghị tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ít nhất 1 tuần nữa; 2 tỉnh đề nghị giãn cách xã hội đến khi không còn ca bệnh lây nhiễm thứ phát; 3 tỉnh đề nghị giãn cách tỉnh với tỉnh và 3 tỉnh đề nghị bỏ giãn cách xã hội đối với một số tỉnh chưa có dịch bệnh.

Trên cơ sở thảo luận và phân tích các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến lây nhiễm, Ban Chỉ đạo và các chuyên gia đi đến thống nhất nhận định: Việc thực hiện cách ly xã hội có tác động rất lớn đến tốc độ lây lan của dịch bệnh; việc áp dụng sớm sẽ có hiệu quả cao hơn; cần tiếp tục thực hiện ở các địa phương có nguy cơ lây nhiễm cao. Các địa phương khác được thực hiện ở mức độ nới lỏng một số biện pháp.

Bên cạnh đó, thống nhất việc áp dụng các tiêu chí phân loại các tỉnh, dựa trên các phân tích dịch tễ học, các yếu tố tác động đến tình hình dịch, khả năng ứng phó, các đặc điểm về dân số; giao thông đi lại; có nhiều người nước ngoài đã từng đến. 7 tiêu chí bao gồm: Tỉnh có các trường hợp nhiễm đặc biệt là nhiễm mới; Đầu mối giao thông, đi lại; Tỉnh có biên giới, cảng hàng không, có nhiều người qua lại biên giới; Tỉnh có nhiều người nước ngoài đã đến du lịch cư trú trong hai tháng qua; Tỉnh có các khu công nghiệp, các nhà máy có đông công nhân; Tỉnh có dân số đông; Các đáp ứng về phòng chống dịch...

24/58 tỉnh, thành đề nghị kéo dài cách ly xã hội đến hết tháng 4
Ảnh minh họa

Trước đó, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, thống nhất kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tiễn của các địa phương quyết định việc thực hiện có thể kéo dài nhưng không vượt quá 1/5.

Các địa phương được chia thành 3 nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, nhóm có nguy cơ và nguy cơ thấp để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp tương ứng. Đối với nhóm 11 tỉnh thành có nguy cơ cao gồm: (1) Hà Nội, (2) Lào Cai; (3) Quảng Ninh, (4) Lạng Sơn; (5) Bắc Ninh; (6) Ninh Bình ; (6) Đà Nẵng; (7) Quảng Nam; (8) Bình Thuận; (9) Khánh Hoà; (10) TP Hồ Chí Minh; (11) Tây Ninh.

Với nhóm có nguy cơ gồm 12 tỉnh thành là: (1) Thái Nguyên; (2) Nam Định; (3) Hà Nam; (4) Nghệ An; (5) Hà Tĩnh; (6) Thừa Thiên Huế; (7) Đồng Nai; (8) Bình Dương; (9) Cần Thơ; (10) Sóc Trăng; (11) Kiên Giang; (12) Hải Phòng. Các tỉnh còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp.

Có 4 hoạt động lớn khác biệt giữa 3 nhóm vừa nêu, đó là: Việc ra khỏi nhà theo các mức độ yêu cầu: hạn chế và khuyến cáo. Việc mở các cửa hàng không thiết yếu theo mức độ: đóng cửa; hạn chế; khuyến cáo. Việc vận chuyển bằng các phương tiện công cộng: Tạm dừng; hạn chế; khuyến cáo. Việc tụ tập đông người: Không quá 2 người; không quá 10 người; không quá 20 người, báo Lao Động cho hay. 

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN