Thứ sáu, 29/03/2024 | 13:03
RSS

2 tháng trước Tết, đại gia đã sẵn lòng bỏ ra 3 nghìn đô "rước" đào tiến vua về

Thứ sáu, 18/11/2016, 07:27 (GMT+7)

Vào những ngày này, tại vườn đào tiến vua của ông Lê Hàm ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (Hà Nội) luôn tấp nập khách tới tham quan, đặt hàng.

Dù thời điểm này đào chưa ra hoa song nhiều đại gia ở Hà Nội đã đổ xô đến vườn đào thất thốn tiến vua ở Tây Hồ để đặt hàng chơi, biếu Tết. Trong số đó, có nhiều cây đào được khách mua có giá lên đến trên 3.000 USD (khoảng trên 60 triệu đồng).

Vào những ngày này, tại vườn đào tiến vua của ông Lê Hàm ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (Hà Nội) luôn tấp nập khách tới tham quan, đặt hàng. Vừa cùng công nhân vận chuyển các cây đào vào phòng điều hòa, ông Hàm vừa tất bật pha trà tiếp khách. “Vào dịp này nhà có đào quý như có con gái đẹp, khách đến nhiều tiếp không xuể” – ông Hàm nói vui.

Ông Hàm cho biết, đến thời điểm hiện tại vườn đào thất thốn trên dưới 100 gốc của ông đã được các đại gia trong và ngoài Hà Nội đặt quá nửa, trong đó có nhiều cây trị giá hàng chục triệu đồng.

“Đào thất thốn là giống đào rất quý hiếm từng một thời dùng để tiến vua thường có giá rất đắt đỏ nên không phải ai cũng chơi được mà phải là người biết chơi đào và nhiều tiền mới dám đầu tư” – ông Hàm chia sẻ.

Là một người sành chơi đào tiến vua và cũng là khách quen cũ của vườn đến chọn đặt đào vào dịp cuối tuần qua, ông Hiệp tiết lộ: “Rút kinh nghiệm từ các năm trước, năm nay tôi phải đến sớm để chọn được các cây đẹp cho bạn bè và đối tác làm ăn. 5 cây đào tôi chọn tại vườn anh Hàm lần này đều có giá trên 60 triệu đồng/cây có dáng, thế rất đẹp”.

Đào thất thốn hiện vẫn chưa có nụ. Ảnh: Dân Việt

Theo ông Hiệp, tính đến thời điểm này, giá đào thất thốn không có biến động nhiều so với các năm trước, các cây đào đều được chủ giữ giá, có cây đẹp nổi trội cũng chỉ tăng giá vừa phải.

Với gần 1.000m2 đang ươm, trồng trên dưới 300 cây, vườn đào thất thốn của nghệ nhân Lê Hàm là nơi hiếm hoi còn lưu giữ được giống đào tiến vua quý hiếm ở Việt Nam

Anh Hàm cho biết, đào thất thốn rất khó nhân giống và kén khách chơi nên giống đào này ngày càng hiếm dần, vườn của anh là một trong số những vườn hiếm hoi còn sót lại ở Việt Nam. Cũng theo anh Hàm, đến nay cái tên “thất thốn” của giống đào quý này chưa được thống nhất, lý giải cho ngọn ngành.

“Thốn” là đơn vị đo chiều dài của y học phương Đông cổ xưa, tương đương 1 đốt ngón tay. Có người bảo gọi “thất thốn” bởi lá đào dài đúng 7 thốn, người lại nói cứ 7 thốn cây sẽ chia cành một lần, 1 thốn có 7 bông hoa, người khác lại bảo, gọi như vậy vì cứ 7 thốn sẽ có một bông mọc thẳng từ thân, 7 năm mới ra hoa kép 7 tầng, mỗi tầng hoa có 7 cánh…

Anh Hàm cho biết, đào thất thốn dáng bé nhỏ, chỉ cao chừng 1m, gốc cây xù xì, mốc meo, thân cây rắn rỏi, vào mùa đông nhìn như gốc củi mục. Có cây không lá, không chồi, không hoa, nụ thì đen xì. Nhưng giữa những “cành củi” mốc meo ấy là những nụ hoa đào ẩn mình chờ đâm chồi, nảy lộc.

Đặc biệt hơn, hoa đào thất thốn còn có thể mọc ở giữa gốc, giữa thân. Có cây, hoa còn mọc ở sát mặt đất, có cây ủ nụ vài năm mới nở hoa.

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus