Trái cây “xách tay” khá phong phú và giá rất cao, như nho xanh Nhật Bản giá 1,4 triệu đồng/kg, việt quất Mỹ hơn 1 triệu đồng/kg, thanh long ruột vàng Malaysia hơn 500.000 đồng/kg… Do được người tiêu dùng đón nhận khá nồng nhiệt nên ngày càng nhiều cửa hàng cao cấp và các trang mạng xã hội chào bán loại trái cây này.
Tuy nhiên, đây là những loại quả chưa có trong danh sách được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Người tiêu dùng thích vì ngon và có nhu cầu cần trái cây lạ, có vẻ cao cấp để làm quà biếu. Nhiều người tin rằng nhóm hàng này an toàn vì xuất phát từ các nước quản lý tốt thực phẩm.
Đối với một số mặt hàng tiêu dùng thông thường khác, kinh doanh hàng “xách tay” đa phần chỉ vi phạm về thuế nhưng với trái cây tươi, có thể mang nguy cơ về sinh vật ngoại lai, ảnh hưởng hệ sinh thái Việt Nam. Do vậy, người Việt rất khó mang trái cây tươi sang xứ người, dù rất ít, để làm quà biếu.
TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết để bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong nước, ngành hải quan và kiểm dịch thực vật cần tăng cường kiểm soát, không để lọt những loại trái cây chưa được phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Trái cây Việt Nam muốn xuất khẩu sang Mỹ, Úc phải chiếu xạ; bán qua Hàn Quốc, Nhật Bản phải xử lý bằng hơi nước nóng để diệt dịch hại dù đã bảo đảm an toàn thực phẩm.
Việt Nam đã có bài học về nạn bọ dừa gây thiệt hại nặng nề cho nông dân. Đây là một sinh vật ngoại du nhập trái phép cùng cây cọ kiểng. Nhằm ngăn chặn dịch hại, theo thông lệ quốc tế để xuất khẩu trái cây tươi, phải qua quá trình đàm phán hết sức khó khăn.
Trái cây xách tay có thể ảnh hưởng đến giá cả thị trường và thậm chí là sức khỏe hay không? Ảnh minh họa
Khác với trái cây nhập nội truyền thống từ Mỹ, Chi Lê, New Zealand luôn có hồ sơ xuất nhập khẩu, quy cách lô hàng, thùng hàng, nhãn hiệu sản phẩm, trái cây xách tay không hề có chứng từ nhập khẩu, không nhãn hiệu và nếu có, không ngoại trừ được dán “tem” tự in.
Việc nhập trái cây vào một quốc gia không thể tự ý mà làm được do nhà chức trách có chính sách bảo vệ sản xuất trong nước, phải thực hiện các hiệp định song phương hay đa phương (WTO, Liên minh châu Âu...) về kiểm dịch thực vật.
Đoàn khảo sát thị hiếu người tiêu dùng của Vinafruit mang một số mẫu trái cây tươi, khi đi qua sân bay Quảng Châu (Trung Quốc) cho dù có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật vẫn bị giữ lại.
Nhà chức trách sân bay Quảng Châu nói rằng, theo SPS, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật chỉ hợp pháp với nông sản hàng hóa xuất nhập khẩu, không có giá trị với khách đi máy bay, nếu có hồ sơ xuất khẩu sẽ được nhận lại số hàng bị giữ.
Theo SPS - Hiệp định về các biện pháp vệ sinh động thực vật của WTO thì việc rau quả không qua kiểm dịch không thể thông quan xuất, nhập khẩu. Vấn đề đặt ra là các biện pháp vệ sinh động thực vật có được thực hiện đối với trái cây tươi xách tay vào Việt Nam như ở các nước?
Giá bán thanh long, nho, táo... xách tay cao hơn hàng chục, vài chục lần hàng nội địa sẽ làm xáo trộn giá cả thị trường, có ảnh hưởng đến nhà sản xuất trái cây trong nước?
Đã đến lúc các nhà quản lý nông sản xuất nhập khẩu ở nước ta quan tâm giải quyết triệt để vấn đề này. Không thể “thả cửa” và cho đây là chuyện nhỏ!