Thứ bảy, 27/04/2024 | 07:37
RSS

Bác sĩ khoa Nhi ngao ngán cảnh trẻ ốm, mẹ bỉm sữa cuống cuồng nhờ Facebook

Thứ năm, 27/07/2017, 19:27 (GMT+7)

Làm mẹ, nhất là khi đang nuôi con đầu lòng, con ốm là điều khiến không ít bà mẹ lo lắng, thậm chí bấn loạn không biết phải làm sao.

Theo bác sĩ Lê Thị Lan Anh (khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) thực ra cách đơn giản nhất khi con ốm là đưa con đi viện khám. Căn cứ vào thăm khám lâm sàng, kết hợp với các kết quả xét nghiệm, chụp chiếu (nếu cần thiết phải làm), bác sĩ sẽ có hướng xử lý cụ thể cho tình trạng sức khỏe của trẻ.

Tuy nhiên trong thực tế cuộc sống và quá trình khám chữa bệnh, bác sĩ Lan Anh đã gặp không ít trường hợp chăm con rất sai lầm như sau:

Con ốm, lên mạng hỏi các mẹ khác

Trẻ con ốm là điều thường gặp, không đứa trẻ nào lại không từng ốm sốt, ho, sổ mũi,... Thay vì đưa con đi khám chữa, không ít mẹ bỉm sữa lại đưa thông tin về tình trạng bệnh của con lên các diễn đàn mạng xã hội để nhờ những người khác tư vấn.

Bác sĩ Lan Anh lấy ví dụ, chẳng hạn hiện nay đang có dịch sốt xuất huyết một số mẹ khuyên cho con hạ sốt bằng ibuprofen cho chóng khỏi ốm. Thế nhưng đây lại là sai lầm chết người bởi cho trẻ bị sốt xuất huyết dùng ibuprofen hoặc aspirin sẽ làm giảm kết tụ tiểu cầu khiến xuất huyết nặng thêm. Kể cả với sốt thông thường, không phải sốt xuất huyết, các bác sĩ cũng luôn khuyên bệnh nhân chỉ hạ sốt bằng paracetamol với liều phù hợp cân nặng.

Con om

Khi con ốm, nên đưa trẻ đến phòng khám để bác sĩ khám trực tiếp. Ảnh: HH

Không chỉ đưa thông tin hỏi "bác sĩ Facebook", nhiều mẹ lại hay chụp ảnh con đưa lên mạng nhờ chẩn đoán, trong khi mỗi bệnh lý lại có những hình ảnh khác nhau. Không ai chẩn đoán bệnh chỉ từ một bức ảnh mà phải “nhìn, sờ, gõ, nghe”. Ví dụ như sốt có phát ban, để chẩn đoán, bắt buộc cần khám, sờ tổn thương, hỏi tiền sử bệnh xem phát ban từ giai đoạn nào, phát ban trước khi sốt hay sau khi sốt?

Không ít mẹ cứ nghe cư dân mạng phán lung tung, áp dụng theo cách của người này người kia, có thể sẽ chữa được triệu chứng nhưng bệnh thì không khỏi. Cho đến khi trẻ mãi không khỏe, đưa con đến viện thì đã một số triệu chứng ban đầu đã mất nên gây khó khăn cho công tác chẩn đoán, điều trị sau này.

Không bù dịch khi mất nước

Trẻ sốt cao hoặc đi ngoài dễ rơi vào tình trạng mất nước nên rất cần được bù dịch. Hiện nay các bác sĩ luôn khuyến cáo bù dịch bằng oresol. Dung dịch oresol tuy hơi khó uống khiến nhiều trẻ bất hợp tác không chịu uống. Không có cách nào khác, mẹ buộc phải dỗ con, cho con uống từng chút một.

Tuy nhiên có những bà mẹ thấy con không uống là “thôi” luôn, hoặc tìm những dung dịch khác dễ uống hơn thay thế oresol. Đến khi con mất nước nặng mới cuống lên đưa con đến viện; có trường hợp bác sĩ cứu được, có trường hợp không cứu được, rất đáng tiếc.

Con ốm

Bằng việc thăm khám trực tiếp, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Ảnh minh họa

Ra hiệu thuốc nhờ kê đơn

Hiệu thuốc là nơi bán thuốc. Các dược sĩ có thể tư vấn về cách sử dụng thuốc chứ không thể làm công việc chẩn đoán bệnh và kê đơn thay cho bác sĩ. Nhiều mẹ vẫn nhầm tưởng dược sĩ có thể kê đơn nên con ốm là ra hiệu thuốc kể bệnh, sau đó có những dược sĩ vẫn bán thuốc điều trị dù không có đơn của bác sĩ.

Cũng chính vì vậy mà xảy ra tình trạng trẻ sốt virus, không có viêm lại dùng kháng sinh. Con dùng kháng sinh vài ngày thấy khỏi bệnh nên các mẹ nghĩ rằng thuốc tốt.

Thực tế, trong bệnh cảnh sốt virus, việc dùng kháng sinh là không cần thiết. Nhiều lần như vậy, trẻ sẽ bị nhờn kháng sinh. Đến khi con ốm có viêm thực sự, lúc này dùng kháng sinh liều thông thường không còn tác dụng, phải dùng kháng sinh liều cao, rất hại cơ thể.

Trên đây là 3 sai lầm cơ bản trong quá trình chăm sóc trẻ ốm mà bác sĩ Lan Anh chỉ ra. Rất mong các mẹ không mắc phải những sai lầm này khiến con trẻ gặp những vấn đề đáng tiếc về sức khỏe.

Nhóm thực phẩm tuyệt đối kiêng khi trẻ bị ho. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

Diệp Lâm
Theo Đời sống Plus/GĐVN