Thứ bảy, 27/04/2024 | 03:09
RSS

"Bi kịch" của thiếu niên lộn bao quy đầu nhưng quên lộn lại

Thứ tư, 26/07/2017, 19:05 (GMT+7)

Bệnh viện chuyên khoa Nam học và hiếm muộn Việt - Bỉ vừa tiếp nhận, điều trị cho một bệnh nhân tự lộn bao quy đầu ở nhà nhưng sau đó quên lộn lại.

Nam bệnh nhân 15 tuổi ở Nam Định, được bố đưa đến khám do bị sưng đau ở dương vật. Bệnh nhân cho biết hôm trước em có lộn da bao quy đầu để làm vệ sinh nhưng quên lộn lại. Sáng ngủ dậy, em thấy có đọng một quầng dịch, có vòng thắt gây đau nên nói với bố đưa đi khám.

Sưng đau do đãng trí khi lộn bao quy đầu!

Theo BS Hà Ngọc Mạnh, Bệnh viện chuyên khoa Nam học và hiếm muộn Việt - Bỉ, sau khi khám, nhận thấy vấn đề có dịch và sưng viêm nên anh đã xử lý tại chỗ cho bệnh nhân, cho bệnh nhân điều trị một đợt kháng viêm. Bệnh nhân chỉ điều trị ngoại trú, tái khám sau một tuần.

Bác sĩ Mạnh cũng tư vấn cho bệnh nhân sau một thời gian nữa, khi mọi thứ ổn định trở lại thì phải cắt bỏ da bao quy đầu thì mới tránh biến chứng.

Lộn bao quy đầu

Hình ảnh bao quy đầu. Ảnh minh họa

BS Mạnh cho biết, hẹp bao quy đầu có hai thể: Một là thể hẹp khít, tức là bình thường bệnh nhân không lộn ra được. Ở thể này dễ có biến chứng do đọng nước tiểu, vệ sinh không tốt. Nếu tình trạng hẹp khít lâu dài thì có thể gây ung thư dương vật.

Thể thứ hai là bán hẹp bao quy đầu: Bệnh nhân vẫn lộn ra vệ sinh được nhưng nhiều khi vệ sinh xong quên không lộn ra trùm lại, khi chỗ ấy cương lên sẽ là vòng thắt bao quy đầu. Và có thể khi dương vật cương lên sẽ gây tụ dịch, tụ máu vùng quanh rãnh quy đầu.

Bệnh nhân nam nói trên ở thể thứ hai, chỉ vì “đãng trí” mà hôm sau phải tới bệnh viện để xử lý gấp.

Lộn rửa vệ sinh bao quy đầu là điều bắt buộc

Theo BS Mạnh, với bé trai và độ tuổi thanh thiếu niên, lộn rửa vệ sinh là điều bắt buộc nếu có da quy đầu dài. Về “ứng xử ra sao” với bao quy đầu, cắt hay không cắt, BS Mạnh cho biết hiện có hai xu hướng:

1. Nếu da quy đầu không gây hẹp mà chỉ dài, chủ nhân của nó vệ sinh thường xuyên ngày hai lần thì cứ để nguyên như vậy cũng được. Trường hợp da quy đầu dài ảnh hưởng đến tình dục, giảm khoái cảm thì nên cắt.

2. Cắt da bao quy đầu đi để vệ sinh tốt và lộn ra thường xuyên.

Lon bao quy dau

Cắt bao quy đầu còn tùy thuộc văn hóa từng dân tộc. Ảnh minh họa

Việc cắt da quy đầu hay không đôi khi còn tùy thuộc văn hóa từng dân tộc. Có những dân tộc cắt rất sớm, khi trẻ mới 1-2 tháng tuổi, thậm chí trẻ mới sinh ra người ta đã cắt rồi. Nhưng nhiều dân tộc lại không có phong tục đó.

Do cắt da bao quy đầu là quan điểm của từng dân tộc và cũng có những bằng chứng cho thấy cắt da bao quy đầu sớm sẽ tránh được bệnh viêm nhiễm qua đường tình dục khi ở tuổi trưởng thành, nên không thể phê phán hay nói có nên cắt hay không.

Dù vậy, không thể phủ nhận những mặt tốt của da quy đầu. Chẳng hạn với trẻ bị dị tật ở đường tiết niệu như hẹp niệu đạo, lỗ tiểu lệch thấp, da quy đầu sẽ là nguyên liệu để phẫu thuật viên tạo hình niệu đạo.

Với quan điểm của y học hiện đại, da quy đầu không có biến chứng, vệ sinh tốt thì nên giữ lại, phòng trường hợp mắc bệnh còn có cái mà sửa (tức có “nguyên liệu” để tạo hình).

Bài thuốc chữa ho dai dẳng chỉ trong 2 ngày từng được vua Lý Thần Tông trọng thưởng 

Diệp Lâm
Theo Đời sống Plus/GĐVN