Thứ sáu, 29/03/2024 | 13:40
RSS

Ý kiến trái chiều về đề xuất cho các loại xe khác đi vào làn buýt nhanh

Thứ sáu, 02/03/2018, 09:37 (GMT+7)

Một số chuyên gia cho rằng, nếu để phương tiện khác đi vào làn riêng buýt nhanh sẽ tạo thói quen không tốt cho người dân.

Ý kiến trái chiều về đề xuất cho các loại xe khác đi vào làn buýt nhanh
Ý kiến trái chiều về đề xuất cho các loại xe khác đi vào làn buýt nhanh. Xe buýt nhanh đông khách vào giờ cao điểm. Ảnh: Quang Chiến

Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) vừa đề xuất cho các tuyến buýt thường được sử dụng làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT từ 4h đến 23h hàng ngày; các phương tiện khác được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 23h đến 4h hôm sau.

Đề xuất cho các loại xe khác đi vào làn BRT dựa trên cơ sở nào?

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị, ban đêm làn BRT vắng vẻ nên vẫn có nhiều phương tiện đi vào và bị phạt. Do đó, để tạo điều kiện cho người dân, cơ quan này đã đề xuất cho phép các phương tiện đi vào làn BRT vào ban đêm. Còn ban ngày, cảnh sát giao thông tiếp tục xử lý các phương tiện đi vào làn BRT.

Về đề xuất cho xe buýt thường đi vào làn BRT ban ngày, ông Hải giải thích, trên tuyến BRT Kim Mã -  Yên Nghĩa có 5-6 tuyến buýt gom, chạy chung đường từ vài trăm mét đến 2 km và thường bị ùn tắc tại các nút giao thông khi xe buýt không kịp chuyển hướng. Do đó, việc cho xe buýt thường vào làn BRT sẽ giúp phương tiện này thoát ra nhanh hơn tại các nút giao mà không ảnh hưởng đến hoạt động của xe buýt nhanh, vì đoạn chạy chung đường không dài. 

Cũng theo ông Hải, hiện xe buýt nhanh đạt tần suất 5-10 phút/chuyến, mỗi ngày chở hơn 14.000 lượt hành khách; khách đi giờ cao điểm có xu hướng tăng lên.

Ghi nhận của phóng viên trong ngày 1/3 cho thấy, dọc tuyến buýt nhanh tình trạng các phương tiện khác lấn làn BRT diễn ra khá thường xuyên, kể cả khung giờ thấp điểm.

Vào giờ cao điểm buổi chiều, làn BRT theo hướng Giảng Võ – Tố Hữu bị nhiều phương tiện khác lấn vào. Một số tài xế xe buýt nhanh liên tục bấm còi nhưng bất lực trước dòng xe đang len lỏi trên phần đường của mình.

Hành khách Nguyễn Văn Hùng (sinh viên) cho biết: “Đầu giờ chiều em đi học từ điểm dừng Dương Nội - Hà Đông đến Giảng Võ, đường còn vắng nên chỉ mất có 20 phút, còn cuối giờ đi học về phải gần một tiếng mới đến nhà”.

"Không nước nào cho phép phương tiện khác đi vào làn xe buýt nhanh"

Trước đề xuất của Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị cũng như thực tiễn giao thông trên tuyến Yên Nghĩa - Kim Mã, TS Phan Lê Bình (giảng viên Kỹ thuật Hạ tầng, ĐH Việt Nhật), cho biết, ông phản đối các phương tiện cơ giới được đi vào làn BRT vào ban đêm vì thời điểm đó các mật độ phương tiện thấp nên dễ dàng đi lại trên các làn đường khác, không cần thiết phải đi vào làn BRT.

Ý kiến trái chiều về đề xuất cho các loại xe khác đi vào làn buýt nhanh
Ngày 1/3, nhiều xe máy, ôtô liên tục đi lấn vào làn BRT. Ảnh: Quang Chiến

"Việc cho phép đi vào làn dành riêng sẽ tạo ra thói quen không tốt cho người tham gia giao thông, có thể ban ngày họ lại đi vào đường này. Chúng ta biết rằng đèn xanh đèn đỏ vẫn hoạt động ban đêm, song không có quy định cho phép vượt đèn đỏ khi lưu lượng phương tiện vắng", ông Bình nói.

Với đề xuất cho phép xe buýt thường đi vào làn BRT vào ban ngày, TS Phan Lê Bình cho rằng, khác với xe buýt nhanh, xe buýt thường có cửa lên xuống bên phải nên thường phải chạy ra ngoài lề đường đón trả khách. Đặc thù này sẽ khiến xe buýt thường khó "tạt trái, tạt phải" khi đi chung làn với BRT; biện pháp cho buýt thường chạy chung làn BRT có thể giúp cải thiện tốc độ xe buýt thường, song sẽ cản trở xe buýt nhanh nếu cả hai loại hình này có lưu lượng phương tiện lớn. 

"Nên chăng, cơ quan chức năng thí điểm cho phép một tuyến buýt thường hoạt động vào làn BRT, nếu thấy hiệu quả thì nhân rộng", ông Bình gợi ý.

TS Phan Lê Bình cũng cho rằng, trên đây là giải pháp tổ chức giao thông tình thế, trên thế giới không có nước nào lại cho xe buýt thường đi vào làn buýt nhanh. 

Trái với ý kiến của ông Bình, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nói, ông ủng hộ cho các phương tiện khác đi vào làn BRT không chỉ ban đêm mà cả ngày.

"Lưu lượng xe buýt nhanh chỉ 10 phút/chuyến, nên làn BRT rất vắng, cho các phương tiện đi cùng sẽ đỡ lãng phí hạ tầng. Hơn nữa, các phương tiện sẽ có sự chọn lựa, nếu người đi xe máy thấy làn BRT đông đúc thì họ sẽ không đi vào. Còn khi đường vắng thì các loại xe tự do di chuyển", ông Thủy nói.

TS Đinh Thị Thanh Bình, ĐH Giao thông Vận tải, cho rằng, việc xe buýt thường đi vào làn BRT có thể giảm được phần nào tình trạng ùn ứ trước các nút giao thông, với điều kiện là các phương tiện khác không lấn làn BRT. Trên thực tế, dù bị cấm đi vào làn BRT nhưng nhiều xe máy, ôtô vẫn bất chấp quy định. Trong giờ cao điểm, xe buýt nhanh thường rất khó lưu thông do xe khác chiếm làn dành riêng. 

"Với tình trạng giao thông hiện nay, xe buýt thường đi vào làn BRT không tạo nên nhiều thay đổi", bà Bình nói. 

Tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa hoạt động từ 1/1/2017. Theo đơn vị quản lý buýt nhanh, sau hơn 3 tháng vận hành, loại hình vận tải này có bình quân 41,1 hành khách mỗi lượt; 13.600 hành khách mỗi ngày. Ngày cao nhất, xe buýt nhanh vận chuyển 17.400 lượt hành khách.

Tuyến buýt nhanh này có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng). Giá mỗi chiếc xe buýt để lăn bánh trị giá hơn 5 tỷ đồng.

Đoàn Loan - Quang Chiến
Theo Vnexpress