Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:47
RSS

Xúc động: Biết cụ ông 86 tuổi hiến giác mạc, nhiều người cùng khu phố ở Hoà Bình cũng muốn hiến mô tạng

Thứ hai, 02/12/2024, 07:38 (GMT+7)

Cụ ông 86 tuổi ở Hoà Bình sau khi rời cõi tạm đã để lại toàn bộ mô tạng, trong đó có giác mạc để giúp đỡ những bệnh nhân mù lòa và những người cần ghép tạng hồi sinh sự sống.

Chiều 30/11, Ngân hàng Mắt Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 nhận được một cuộc gọi đầy xúc động. Đó là cuộc gọi từ thân nhân một cụ ông 86 tuổi vừa qua đời tại TP. Hòa Bình. Trước khi rời cõi tạm, cụ ông đã để lại di nguyện vô cùng cao cả là hiến toàn bộ mô tạng, trong đó có giác mạc, để giúp đỡ những bệnh nhân mù lòa và những người cần ghép tạng để hồi sinh sự sống.

Đội ngũ cán bộ, nhân viên của Ngân Hàng Mắt Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 thu nhận giác mạc theo di nguyện của cụ ông. Ảnh: BVCC

Sinh thời, cụ ông còn bày tỏ nguyện vọng muốn hiến toàn bộ máu của mình, bởi ông biết mình thuộc nhóm máu O - nhóm máu có thể cứu sống tất cả mọi người. Ông luôn bảo rằng dù đã già, nhưng vẫn luôn giữ gìn tim, gan, thận của mình, mong sao khi ra đi có thể hiến tặng những cơ quan đó để cứu sống nhiều người. Ông đã đăng ký hiến mô tạng từ tháng 10/2023.

Giác mạc được lấy để giúp đỡ những bệnh nhân mù lòa. Ảnh: BVCC

Ông còn vui vẻ nói thêm rằng, nếu di nguyện hiến tặng của mình được thực hiện, ông sẽ mỉm cười đến cuối đời cho đến khi "vào lò" (hỏa táng). Đó là lời nhắn nhủ nhẹ nhàng nhưng cũng đầy xúc động về hành động nhân văn của cụ ông.

Ngay sau đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Ngân Hàng Mắt Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã khẩn trương lên đường, vượt nhiều cây số từ Hà Nội đến Hòa Bình, mang theo sứ mệnh thiêng liêng giúp cụ thực hiện di nguyện cuối cùng. Dù là một hành trình dài và vội vã, nhưng không thể thiếu sự trang nghiêm, tôn trọng và cảm động trong từng khoảnh khắc.

Việc cụ ông hiến giác mạc khiến khu phố, người thân vô cùng xúc động. Ảnh: BVCC

Quá trình thu nhận giác mạc diễn ra nhanh chóng, nhưng đâu đó vẫn tràn đầy sự lặng lẽ, thiêng liêng. Người thân, họ hàng tận mắt chứng kiến một hành động đầy nhân văn, vượt qua ranh giới sinh tử, để ánh sáng có thể tiếp tục đến với những người còn đang khao khát, và sự sống có thể được hồi sinh ở những bệnh nhân đang chiến đấu từng ngày.

Với người thân dù nỗi đau mất mát vẫn còn nhưng trong ánh mắt của họ, có thể thấy niềm tự hào và sự cảm động. Cụ ông ra đi với một hành động cao cả, để lại di sản về lòng nhân ái và hy sinh. Những giọt nước mắt của con cháu không phải tiếc nuối, mà là sự kính trọng và biết ơn. Gia đình tuy buồn, nhưng được an ủi vì di nguyện của cụ sẽ sống mãi, không chỉ trong ký ức mà còn trong cuộc sống của những người được nhận sự giúp đỡ. Đây cũng là người hiến giác mạc đầu tiên của tỉnh Hoà Bình.

Tại nơi cụ ông đang sống, việc hiến tạng của cụ ông đã tạo ra một tác động sâu sắc. Bà con hàng xóm rất ủng hộ và cảm kích trước hành động cao đẹp của cụ. Nhiều người đã đến động viên gia đình, bày tỏ sự khâm phục và chia sẻ nỗi buồn với họ. 

Đặc biệt, nhiều người đã bày tỏ mong muốn đăng ký hiến tặng tạng ngay lập tức, vì họ cảm nhận được sức mạnh của hành động nhân văn này. Sự ủng hộ từ cộng đồng không chỉ là sự khích lệ tinh thần cho gia đình, mà còn là sự khẳng định về sức lan tỏa mạnh mẽ của lòng nhân ái và tình người trong xã hội

Bà Phạm Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hòa Bình chia sẻ, cụ ông là một tấm gương sáng cho cộng đồng. Hành động của cụ đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người. 

Bà Ánh cũng cho biết thêm đây là trường hợp hiến tặng giác mạc đầu tiên của tỉnh, dù đau buồn nhưng gia đình, địa phương đồng thời cũng vinh dự và tự hào. Đó là một nghĩa cử cao đẹp, một tấm gương sáng về lòng nhân ái, minh chứng cho sức mạnh của tình yêu thương và sự sẻ chia trong cuộc sống.

Gia Khiêm
Theo Dân Việt