Ngày 29/7, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cảnh báo một số trang web đã lợi dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe của người dân để giả mạo thông tin xin trợ cấp tiêm chủng vắc xin Covid-19 và lừa tiền cứu trợ. Trong đó, có 2 tên miền chính đang được các đối tượng lợi dụng như sau: honapply.vn và miniboon.vn.
Trang web giả mạo Bộ Y tế lừa đảo người dùng nhận trợ cấp Covid-19.
Trước đó, trên Facebook, một số người dùng cho biết nhận được tin nhắn với nội dung: "Bộ Y tế xin thông báo: Bạn đã đủ điều kiện đăng ký xin trợ cấp. Vui lòng hoàn thành thủ tục đăng ký trực tuyến ngay bây giờ. Thời hạn đến 17:30 hôm nay" kèm một đường link website.
Đặc biệt hơn, khi nhấn vào đường link được gửi tới trong tin nhắn đã hiện lên một trang web có giao diện rất giống với website chính thức của Bộ Y tế. Trong đó, bạn được yêu cầu cung cấp một số thông tin cá nhân như Họ tên, số CMND, Số điện thoại và thậm chí là cả số tài khoản ngân hàng.
Nếu người dùng nhập các thông tin này, họ sẽ đứng trước nguy cơ bị hacker đánh cắp tài khoản ngân hàng và gây thất thoát tài sản.
Người dân cần cảnh giác với những tin nhắn lừa đảo giả danh Bộ Y tế.
Tuy nhiên, do để ý thấy một số đặc điểm khá lạ như tin nhắn được gửi tới từ một số máy cá nhân, lỗi chính tả nhiều cũng như tên đường link đính kèm khá lạ nên người dùng đã đăng tải lên Facebook để cảnh báo.
Ngay khi phát hiện các trang web này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trung tâm NCSC đã phối hợp xử lý để gỡ bỏ.
Theo NCSC, người dùng cần cẩn trọng xác minh thông tin kỹ càng.
Trung tâm NCSC đề nghị người dùng internet khi phát hiện hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo trực tuyến, có thể chủ động thông báo, cảnh báo cho Trung tâm NCSC tại địa chỉ: https://canhbao.ncsc.gov.vn.
Đồng thời, khuyến nghị người dùng internet Việt Nam cần nâng cao cảnh giác, đề phòng cao độ để bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo, một số thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng như giả mạo thông tin của tổ chức y tế, giả mạo trang web liên quan đến Covid-19, lừa đảo liên quan đến nhu yếu phẩm thiết yếu bán lẻ, đến hoạt động từ thiện, hoạt động đầu tư,…
Về việc giả danh cơ quan nhà nước để thực hiện hành vi lừa đảo qua điện thoại, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy theo hậu quả nghiêm trong của hành vi.
Trong trường hợp các đối tượng giả danh Cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tài sản giá trị dưới 2 triệu đồng và không gây hậu quả nghiêm trọng. Người phạm tội chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt, chưa bị kết án hay đã bị kết án nhưng được xóa án tích thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Căn cứ điều 15, nghị định 167/2013 ngày 21 tháng 11 năm 2013 quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác thì sẽ bị xử lý như sau:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: trộm cắp tài sản công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác, dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác, sử dụng trái phép tài sản của người khác.
Tịch thu tang vật, phương tiện, công cụ thực hiện vi phạm hành chính.
Trong trường hợp xử lý theo trách nhiệm hình sự thì phải căn cứ tùy vào tính chất, mức độ mà người thực hiện hành vi giả mạo công an có thể bị xử lý về tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác, tội sử dụng tài liệu, con dấu giả của cơ quan chức năng…