Thứ năm, 25/04/2024 | 03:43
RSS

Xử lý vi phạm xây dựng ở Hà Nội: Đừng để 'con sâu làm rầu nồi canh'

Thứ ba, 10/12/2019, 10:31 (GMT+7)

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2019, các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã của TP. Hà Nội đã kiểm tra 10.194 công trình, phát hiện, lập hồ sơ xử lý 357 trường hợp vi phạm.

Vào tháng 5/2019, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký văn bản gửi 8 sở, ngành của thành phố yêu cầu siết lại kỷ cương, trật tự xây dựng trên địa bàn.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường sự chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát trách nhiệm của đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường, Trưởng phòng Quản lý đô thị, trách nhiệm của UBND và chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trong quản lý trật tự xây dựng, đảm bảo tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn phải được kiểm tra kiên quyết, xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, không để công trình vi phạm xây dựng hoàn thiện đưa vào sử dụng mới xử lý, cưỡng chế.

Trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu các xã phường, nếu để xảy ra vi phạm sẽ bị đình chỉ công tác. “Trường hợp cần thiết, có thể tạm dừng công tác điều hành của các Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn cho đến khi xử lý xong vi phạm”, văn bản UBND thành phố nhấn mạnh.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2019, các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã của TP. Hà Nội đã kiểm tra 10.194 công trình, phát hiện, lập hồ sơ xử lý 357 trường hợp vi phạm. Trong đó, 74 trường hợp xây dựng không phép; 116 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 5 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, ô nhiễm môi trường...

Ngoài ra, UBND cấp huyện, xã đã xử lý dứt điểm 276 trường hợp vi phạm, trong đó, cưỡng chế phá dỡ 48 trường hợp; 193 trường hợp tự khắc phục. Do đó, tình hình trật tự xây dựng đã từng bước đi vào nề nếp, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân đã có chuyển biến tích cực.

Ảnh minh họa.

Mặc dù vậy, vẫn còn một số địa phương buông lỏng công tác quản lý trật tự xây dựng, công tác xử lý chưa kịp thời, triệt để, một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng, gây bức xúc trong dự luận và rất cần cơ quan chức năng xử lý triệt để tránh tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh", trên bảo dưới không nghe.  

Theo luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Luật Xây dựng 2014, Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng đều có quy định xử lý, xử phạt đối với vi phạm TTXD, xây vượt tầng.

Điều 30 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.

Ngoài ra, căn cứ theo Điều 101 Luật Xây dựng 2014, chủ đầu tư không khắc phục việc xây dựng sai với giấy phép xây dựng trong thời hạn ghi trong văn bản xử lý vi phạm theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước sẽ bị thu hồi giấy phép xây dựng.

Căn cứ theo Điều 118 Luật Xây dựng, việc phá dỡ công trình xây dựng được thực hiện trong trường hợp công trình xây dựng sai quy hoạch xây dựng, công trình xây dựng không có giấy phép đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng.

Ngoài ra, Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP về vi phạm quy định về TTXD cũng quy định chi tiết xung quanh việc xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp.

Nhóm PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN