Hiện trường vụ tai nạn khiến nam tài xế bị thương nặng
Theo nhân chứng, xe tải mang biển số 20C – 056.54 đang chạy hướng Thái Nguyên đi Hà Nội bất ngờ tông thẳng vào đuôi một ôtô tải khác. Cú tông cực mạnh khiến đầu xe 20C – 056.54 bị bẹp dúm, tài xế kẹt cứng trong cabin, 2 chân gãy.
Người dân phải mất 30 phút dùng xà beng cạy cabin để giải cứu tài xế. Tuy nhiên, khi tài xế gặp nạn được đưa lên taxi chở đi bệnh viện thì một xe tải khác chạy hướng Hà Nội - Thái Nguyên lao tới, đâm trực diện vào đuôi taxi.
Chiếc taxi bẹp dúm, cả ba người trên xe bị thương (gồm tài xế xe tải bị thương trước đó, 1 người dân tham gia cấp cứu và tài xế taxi). Trong đó tài xế xe tải và người dân đi cùng bị thương nặng nhất do ngồi ở ghế sau.
Người dân phải tiếp tục phá dỡ đuôi xe, đưa các nạn nhân đã hôn mê bất tỉnh ra ngoài. Ông Dương Văn Tuấn, Trưởng công an thị xã Phổ Yên, xác nhận vụ tai nạn hy hữu trên. Địa phương đã cử lực lượng tới hiện trường để điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Sau khi đưa nam tài xế sang 1 chiếc xe taxi để đi cấp cứu, chiếc xe taxi này tiếp tục bị tông, tài xế bị chấn thương lần 2
Phó phòng tuyên truyền cục CSGT (C08 Bộ Công An) cho biết chiếc xe tải đầu tiên bị nổ lốp, buộc phải dừng đỗ trên cao tốc, dẫn đến xe tải phía sau bị bất ngờ, húc thẳng vào đuôi ôtô.
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP. Hà Nội) cho biết vụ việc dưới góc độ pháp lý như sau:
Theo Luật sư Thơm, đây là vụ tai nạn giao thông hy hữu xảy ra trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
Căn cứ vào các tình tiết của vụ tai nạn, có thể thấy, thiệt hại về người và tài sản chủ yếu xảy ra trong vụ việc xe tải chạy hướng Hà Nội - Thái Nguyên lao tới, đâm trực diện vào đuôi taxi đang dừng xe đưa người đi cấp cứu trước đó.
Đánh giá chính xác lỗi vi phạm luật giao thông đường bộ (GTĐB) thuộc về ai để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật cần đợi kết quả điều tra của Cơ quan chức năng. Theo quan điểm của luật sư, xét về lỗi có thể thấy, lái xe tải đã thiếu quan sát, không giảm tốc độ từ xa khi thấy xe taxi đang dừng trên đường đưa người đi cấp cứu, mặc dù không bị che khuất tầm nhìn.
Lỗi xe tải vi phạm Luật GTĐB như sau:
+ Vi phạm Khoản 5, Điều 4 Luật GTĐB. Nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ “Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác.
Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.
+ Vi phạm Điều 12 Luật GTĐB tốc độ và khoảng cách giữa các xe; Điều 5 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT quy định các trường hợp phải giảm tốc độ.
Vụ tai nạn giao thông hy hưu trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn) trong các trường hợp “có chướng ngại vật trên đường”.
Hậu quả thiệt hại về người và tài sản do lái xe ô tô tải đâm vào xe taxi đã có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về tham gia GTĐB. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015.
Lỗi xe taxi vi phạm Luật GTĐB như sau:
+ Vi phạm Điều 18 Luật GTĐB. Dừng xe, đỗ xe trên đường bộ. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây: “Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết; Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại vị trí bên trái đường một chiều…”
Theo quan điểm của luật sư, trong trường hợp xảy ra vụ tai nạn này, lỗi chính gây hậu quả nghiêm trọng do lái xe tải thiếu quan sát, không giảm tốc độ đâm vào xe taxi đang dừng để đưa người đi cấp cứu.
Hành vi dừng xe taxi đưa người bị nạn đi cấp cứu trong tình huống rất khẩn cấp là việc làm tốt theo đúng đạo đức của con người. Do vậy, quan điểm của luật sư chưa đến mức phải xử lý bằng pháp luật hình sự đối với lái xe taxi là có căn cứ và được dư luận xã hội đồng tình.
Video: Tài xế gặp nạn được đưa đi cấp cứu tiếp tục bị xe tải tông. Nguồn: FB
Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. 1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Không có giấy phép lái xe theo quy định. b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác. c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn. d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông. đ) Làm chết 02 người. e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%. g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Làm chết 03 người trở lên. b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên. c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. 4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các Điểm a, b và c Khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |