Thứ sáu, 22/11/2024 | 00:41
RSS

Xe limousine chở khách không hợp đồng, tài xế không có bằng lái

Chủ nhật, 02/08/2020, 15:34 (GMT+7)

Ngày 2/8, Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) đã tiến hành lập biên bản xử phạt, cẩu xe ô tô hợp đồng limousine lưu thông vận chuyển không hợp đồng, tài xế không GPLX để xử lý theo qui định.

Chỉ huy Đội CSGT số 3 thông tin cụ thể với báo Gaio thông, vào chiều 31/7, Tổ công tác của Đội CSGT số 3 làm nhiệm vụ trên đường Láng hướng về quận Cầu Giấy đã tiến hành dừng xe ô tô limousine mang BKS 29B-602.35 của Công ty CP XNK & KT Ánh Dương có trụ sở tại Liên Ninh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội để kiểm tra.

Khi CSGT dừng xe limousine mang BKS 29B-602.35, có vài hành khách với một cháu bé trên xe, nhưng tài xế không xuất trình được danh sách hợp đồng vận chuyển khách và cũng không xuất trình được GPLX theo quy định. Tài xế chỉ xuất trình được giấy chứng minh thư nhân dân mang tên Nguyễn Văn Sáu (SN 1983, Thành Kim, Thạnh Thành, Thanh Hoá).

Sau đó, tài xế Sáu trình bày và đưa ra một biên bản vi phạm giao thông bị Đội TTGT quận Nam Từ Liêm lập trước đó nhưng đã quá thời gian xử lý, tài xế chưa đến giải quyết vi phạm.

Xe limousine chở khách không hợp đồng, tài xế không có bằng lái
Hình ảnh từ vụ việc. Nguồn: Báo Giao thông

Với vi phạm trên, Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản tạm giữ phương tiện và gọi xe ô tô cẩu đến để đưa xe ô tô limousine mang BKS 29B-602.35 về bãi tạm giữ, đồng thời thông báo cho khách trên xe biết, tài xế Sáu không đủ điều kiện theo qui định để lái xe. Vì vậy, CSGT đã yêu cầu khách xuống và gọi xe taxi cho hành khách đi ra bến xe Mỹ Đình chọn lộ trình đi tiếp của mình.

Theo Thượng uý Nguyễn Hải Anh, Đội CSGT số 3, với vi phạm của ô tô limousine mang BKS 29B-602.35 vận chuyển khách không có hợp đồng, lái xe không GPLX sẽ bị xử lý, tổng mức phạt 6,5 triệu đồng, ngoài ra còn áp dụng hình thức bổ sung tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.

Dù đã tăng cường phối hợp với các lực lượng để tuần tra, xử lý vi phạm hơn 1.000 trường hợp xe hợp đồng, nhưng kết quả từ đầu năm 2020 đến nay của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội vẫn được xem là “bề nổi” của vấn đề.

Ông Nguyễn Công Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam phân tích trên VOV Giao thông: Xe limousine là loại hoán cải từ xe 16 chỗ xuống còn xe 9 chỗ để phù hợp với tiêu chí trong Quyết định 24 thí điểm loại hình hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ. Việc “lách” giữa khe hở của luật pháp, hoạt động như xe khách tuyến cố định nhưng không chịu sự kiểm soát khắt khe của loại hình này đã khiến Limousine trở thành một “hiện tượng” phá vỡ thị trường vận tải khách, gây mất công bằng với các doanh nghiệp làm ăn đứng đắn, góp phần gây mất trật tự, ATGT.

Về giải pháp để quản lý xe Limousine, ông Nguyễn Công Hùng rất kỳ vọng vào các quy định mới trong năm nay từ cơ quan chức năng sẽ bịt được những “lỗ hổng” chính sách. Điển hình như Nghị định 10, Thông tư 12 của Bộ GTVT đã quy định rõ các loại hình vận tải, khái niệm đơn vị kinh doanh vận tải, biển hiệu, phù hiệu, phương thức hoạt động; hay Thông tư 58 thay thế Thông tư 15 của Bộ Công an có hiệu lực từ 1/8/2020 quy định tất cả xe kinh doanh phải gắn biển số màu vàng, nền chữ màu đen.

“Nghị định, Thông tư đã ban hành. Còn lại là kiểm soát thế nào. Chúng tôi cũng tham mưu Bộ GTVT, Bộ Công an, Thanh tra GT sớm đồng loạt vào cuộc, yêu cầu các doanh nghiệp triển khai các quy định về phù hiệu, biển hiệu. Đặc biệt, anh không được xin cấp phép ở một địa phương rồi sang địa bàn khác hoạt động. Nó gây xáo trộn, phá vỡ quy hoạch về hạ tầng giao thông”, ông Hùng nói.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN