Chủ nhật, 19/01/2025 | 16:16
RSS

Vừa chào đời em bé đã có cân nặng 'khủng' ngang trẻ 3 tháng tuổi

Thứ tư, 14/08/2019, 15:14 (GMT+7)

Trong nhiều lần siêu âm trước sinh thai nhi đã được chẩn đoán thai to và chỉ định mổ sinh. Tuy nhiên các bác sĩ cũng ngỡ ngàng vì em bé chào đời nặng tới 5,2 kg.

Vừa chào đời em bé đã có cân nặng khủng ngang trẻ 3 tháng tuổi
Em bé đã có cân nặng 'khủng' 5,2 kg ngang với trẻ 3 tháng tuổi.

Thông tin từ khoa Khám sản tự nguyện - BV Phụ sản Hà Nội cho biết, các bác sĩ của BV vừa thực hiện thành công ca mổ sinh em bé có cân nặng khủng lên tới 5,2kg. Em bé là con đầu lòng của sản phụ Nguyễn Thị T. (27 tuổi, ở Hà Nội). 

Khoảng 5h ngày 12/8, sản phụ nhập viện Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để chờ sinh. Qua siêu âm các bác sĩ xác định thai nhi tương đối lớn khoảng gần 5kg và tư vấn cho sản phụ sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Sau hơn 30 phút phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra em bé nặng 5,2kg.

Theo bác sĩ Diêm Thị Thanh Thuỷ, Trưởng khoa Khám sản tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đây là một trong những trẻ sơ sinh có số cân nặng khá hiếm gặp. Hiện tại, sức khỏe mẹ con sản phụ T ổn định, em bé khóc to, bú tốt, khỏe mạnh. Tuy nhiên em bé vẫn đang phải theo dõi tại phòng sơ sinh.

Cũng theo BS Thủy, cân nặng bình thường ở trẻ sơ sinh sẽ vào khoảng từ 2,8kg đến 3,5kg. Với mức cân nặng trên 4kg được đánh giá là thai to, cần phải theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi thường xuyên. Còn với trường hợp trẻ sơ sinh cân nặng tới hơn 5kg là tương đương trọng lượng của trẻ 2 đến 3 tháng tuổi. Sau khi sinh, với những em bé nặng cân, cha mẹ cần cho bé đi khám sức khỏe thường xuyên để kịp thời xử lý nếu có bất thường gì xảy ra.

Từ góc độ dinh dưỡng, Ths.Bs. Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết có rất nhiều nguyên nhân khiến bé sơ sinh bị quá cân nặng. Trong đó, nổi bật là các nguyên nhân: chế độ dinh dưỡng của người mẹ, thể trạng của cha mẹ, sức khỏe của mẹ trong thai kỳ....

Thai nhi quá to sẽ làm quá trình chuyển dạ của người mẹ gặp khó khăn, phải sử dụng nhiều hơn các biện pháp can thiệp sản khoa. Nhiều trường hợp đi đến bệnh viện đã trong tình trạng vỡ tử cung, nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và con. Nếu các bác sĩ đã chỉ định là thai to, thai phụ nên chọn phương pháp sinh mổ để hạn chế những tai biến cho cả mẹ và con.

"Những trẻ có cân nặng lớn hơn mức bình thường cũng dễ bị các bệnh rối loạn chuyển hóa, thừa cân, béo phì, tim mạch. Không chỉ vậy mà bản thân người mẹ sinh con thừa cân cũng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường"- Ths.BS Lê Thị Hải nói.

Cũng theo Ths.Bs. Lê Thị Hải, để bảo đảm sức khỏe của bé phát triển tốt và tránh nguy cơ các bệnh chuyển hóa, nên cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, theo dõi cân nặng của bé thường xuyên để điều chỉnh chế  độ ăn hợp lý khi bé bắt đầu ăn dặm, tiêm chủng đầy đủ các loại vaccin phòng bệnh.

Minh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN