Chủ nhật, 19/01/2025 | 10:11
RSS

Tài xế xe khách tông xe cứu hỏa trên đường cao tốc: 'Tôi không còn cách nào khác'

Thứ năm, 22/03/2018, 09:27 (GMT+7)

Liên quan đến vụ xe khách tông xe cứu hỏa, tài xế xe khách Đỗ Hùng Mạnh điều khiển ôtô khách cho biết: "Tôi không còn cách nào khác, đánh lái để hạn chế va chạm nhất có thể".

tai nạn xe khách tông xe cứu hỏa: 'Tôi không còn cách nào khác'
Vụ tai nạn xe khách tông xe cứu hỏa khiến hai chiếc xe hưu hỏng nặng. Ảnh Tri thức trực tuyến

Ba ngày sau khi xảy ra tai nạn với xe cứu hỏa trên cao tốc Pháp Vân, tài xế ôtô Đỗ Hùng Mạnh (38 tuổi, điều khiển ôtô khách Hải Hà) đã xuất viện trở về nhà riêng thôn Mỹ Điền, xã vùng biển Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa). 

Dù bị thương nặng ở bàn chân trái, Mạnh vẫn tự di chuyển sinh hoạt trong nhà bằng đôi nạng mà không cần ai phụ giúp. Tinh thần anh đã dần ổn định. Ở địa phương, hoàn cảnh gia đình thuộc diện khó khăn, Mạnh là lao động chính, lương lái xe hàng tháng vừa đủ phụ giúp cho vợ nuôi 3 con đứa con nhỏ, theo Tri thức trực tuyến.

Tài xế Mạnh kể trước khi xảy ra va chạm khoảng vài giây, anh chỉ nhìn thấy xe cứu hỏa lao thẳng ra giữa đường, cách phương tiện anh điều khiển vài mét nên vội đạp phanh, đánh lái sang phải.

“Vụ việc xảy ra quá nhanh, tôi không còn cách nào khác, chỉ biết đạp nhẹ phanh, đánh lái để hạn chế va chạm mạnh nhất có thể. Nếu phanh gấp, có thể xe lật, hành khách sẽ gặp nguy hiểm hơn”, anh Mạnh nói.

Vụ xe khách tông xe cứu hỏa: 'Tôi không còn cách nào khác'
Va chạm khiến anh Mạnh bị thương ở chân Trái. Ảnh: Nguyễn Dương/Trí thức trẻ.​

Sau va chạm, bản thân bị mắc kẹt trong buồng lái, choáng và đau nhức khắp người. Trong phút giây định thần, anh quay sang hỏi hành khách: "Có ai bị làm sao không...?". Nhưng may mắn chỉ vài người bị thương nhẹ.

Nhận định về cách xử lý của tài xế xe cứu hỏa, anh Mạnh nói cách sang đường của tài xế đó quá nhanh và thiếu quan sát, gây bất ngờ cho người người điều khiển phương tiện khác.

“Nếu là lái xe cứu hỏa, tôi sẽ dừng lại 5 đến 10 giây và quan sát, khi nào thấy đủ điều kiện an toàn mới ra. Còn trong lúc di chuyển ngược chiều, tôi sẽ điều xe đi vào làn khẩn cấp, nếu đi vào làn trong cùng sẽ rất nguy hiểm cho các phương tiện khác”, tài xế Mạnh nói.

Chiều 21/3, Đại tá Trần Sơn – nguyên Phó phòng hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông – C67- Bộ Công an) cho VOV.VN biết về quan điểm vụ xe khách đâm xe cứu hỏa xảy ra trên đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ chiều 18/3.

Quan sát clip ghi lại hình ảnh trước, trong và sau vụ tai nạn, Đại tá Trần Sơn nhận định, cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ cho phép ô tô lưu thông với tốc độ cao nhất 100km/h. Theo kết quả điều tra sơ bộ ban đầu cho thấy, xe khách trong vụ tai nạn chạy khoảng 87km/h, ở điều kiện thời tiết có mưa nhỏ, mặt đường ướt, trơn trượt.

Đại tá cho hay, Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định hơn 10 trường hợp lái xe phải giảm tốc độ đến mức không nguy hiểm, có thể dừng lại được an toàn. Trong các quy định đó có trường hợp tầm nhìn hạn chế, trời mưa, mặt đường trơn trượt.

Hơn nữa, trên tuyến cao tốc cũng có quy định bằng biển báo về khoảng cách an toàn, có chỗ là 150m, chỗ 100m, chỗ là 50m. Như vậy, đối với xe khách trong trường hợp này, dù cao tốc quy định tốc độ tối đa 100km/h thì vẫn phải giảm tốc độ để đảm bảo an toàn trong lưu thông.

Với xe cứu hỏa – đây là phương tiện được ưu tiên số 1 theo Điều 22, Luật giao thông đường bộ. Xe cứu hỏa được đi vào đường ngược chiều, đường cấm và không bị hạn chế tốc độ.

Mọi người phát hiện tín hiệu của xe ưu tiên phải nhanh chóng nhường đường, giảm tốc độ và đi về phía bên phải đường, không được cản trở xe ưu tiên.

Xe cứu hỏa trong vụ việc đang đi thực hiện nhiệm vụ, chắc sẽ phát tín hiệu đầy đủ. Tuy nhiên, Đại tá Trần Sơn cho rằng, vì đặc điểm của cao tốc nên khi đi vào phải tuân thủ quy định về nhập làn đường.

Đại tá CSGT cho biết, việc nhập làn vào cao tốc được quy định tại Điều 26 của Luật giao thông đường bộ. Theo đó, tài xế phải quan sát, đảm bảo tốc độ an toàn để nhập vào làn cao tốc. Khi thấy an toàn, lái xe mới được lưu thông. “Đấy là trường hợp lưu thông cùng chiều”, Đại tá Trần Sơn phân tích.


Xem thêm: Xe khách va chạm xe cứu hỏa: Tài xế xe khách không thể bị coi là có lỗi mà là nạn nhân

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN