Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:09
RSS

Người sống sót duy nhất kể lại những tình tiết khó tin trong vụ thảm sát khiến 108 người thiệt mạng ở Hải Phòng

Thứ sáu, 14/07/2017, 07:00 (GMT+7)

109 người bị địch sát hại bằng súng ống và lưỡi lê. Trong số đó, có 1 người may mắn sống sót với chằng chịt các vết thương trên người. 68 năm trôi qua, ký ức kinh hoàng đó chưa một lần nguôi ngoai trong trí nhớ của ông.

Dòng ký ức đau thương

Đối diện trụ sở UBND xã Lâm Động (Thủy Nguyên, Hải Phòng) có một con đường nhỏ. Đi sâu vào con đường ấy chừng vài chục mét là chợ Lâm, sát bên cạnh chợ Lâm có một cái hồ nhỏ quanh năm nước lặng như tờ, cây già rủ bóng. Người dân trong vùng gọi hồ nước nhỏ này với cái tên hồ “căm thù”.

Hồ “căm thù” được bao bọc xung quanh bằng những bức tường đá cao ngang bụng người được đẽo gọt, chạm trổ hết sức cầu kỳ. Bên trong khuôn viên hồ “căm thù” có 3 bức phù điêu gợi lại những cảnh bắt bớ, giết chóc người dân của thực dân Pháp năm xưa.

Vụ thảm sát 108 người ở Thủy Nguyên 1

Hồ "căm thù" nơi 108 người dân vô tội bị địch giết hại. Ảnh: Duẩn

Chính giữa các bức phù điêu ấy, ngay dưới tán của cây si già cổ thụ là bức tượng được chạm trổ công phu tái hiện hình ảnh một người dân toàn thân đầy máu gục đầu trên đùi một người phụ nữ với nét mặt căm hờn, tay phải giơ thẳng lên cao. Dưới bức tượng, một dòng chữ vàng in trên nền đỏ với dòng chữ ngắn gọn, đau đớn “Vụ thảm sát ngày 13 - 14/2/1949”.

Đối diện bức tượng là chiếc cầu cong cong dẫn ra một tượng đài tưởng niệm 4 mặt đặt ngay chính giữa hồ với dòng chữ “Đời đời ghi sâu căm thù đế quốc”. Ở mặt đối diện hướng ra con đường nhỏ của tượng đài là con số 108 khô khốc được ghi theo chiều dọc.

Với những người mới lần đầu đến đây, hồ “căm thù” (hay còn được gọi với những tên khác như hồ Lâm, hồ 108) là một địa điểm còn khá mới mẻ. Và con số 108 khắc chính giữa tượng đài là một ẩn số.

Tuy nhiên, với những người dân sinh sống tại đây, hồ “căm thù” chính là một miền ký ức đau thương nhưng đầy hào hùng. Con số 108 nhắc lại số người bị giặc Pháp bắt bớ, tra tấn và sát hại ngay chính tại hồ.

Góc bên tay phải hồ là một ngôi miếu nhỏ bên trong có ghi lại tên tuổi, quê quán của 108 người bị địch sát hại trong ngày 13 và 14/2/1949. “Hầu hết những nạn nhân đều là dân thường, thuộc các thôn Lôi Động, thôn Bính, thôn Xú…thuộc xã Hoàng Hoa ngày xưa. Chỉ có 3 chiến sĩ bộ đội hoạt động trong làng bị địch bắt và giết hại trong hai ngày đó”, một người dân thông tin.

Vụ thảm sát 108 người ở Thủy Nguyên 2

Vụ thảm sát 108 người ở Thủy Nguyên 3

Vụ thảm sát 108 người ở Thủy Nguyên qua những bức phù điêu dựng trong khu tưởng niệm. Ảnh: Duẩn

Trong tổng số 109 người dân bị bắt bớ, tra tấn và sát hại ngay tại hồ năm đó thì có đến 108 người đã ngã xuống vì dưới họng súng và lưỡi lê của kẻ thù. Chỉ còn duy nhất một người may mắn sống sót nhưng trên người cũng chằng chịt những vết thương. Đó là ông Nguyễn Văn Kiểm (SN 1931), hiện đang sống cùng gia đình người con tại xã Hoa Động (Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Với người dân ở 2 xã Lâm Động và Hoa Động, ông Kiểm là nhân chứng sống duy nhất từng tận mắt chứng kiến những tội ác của thực dân Pháp đã gây ra cho người dân nơi đây. Sự tàn ác ấy là thân thể chằng chịt 11 vết thương do lưỡi lê, báng súng của kẻ thù.

Ông Kiểm năm nay đã bước sang cái tuổi 86. “So với thời điểm cách đây vài năm trước, sức khỏe của ông đã yếu đi rất nhiều. Ngoài nỗi đau do những vết thương cũ tái phát, ông còn bị bệnh phổi hành hạ đã nhiều năm nay”, con trai ông Kiểm cho biết.

Mặc dù tuổi đã khá cao, trí nhớ đã giảm đi ít nhiều nhưng mỗi khi có người đến tìm hiểu về vụ thảm sát 68 năm về trước, ông đều nhớ rất rõ ràng, tường tận. Ông bảo, đến tận bây giờ vẫn bị ám ảnh bởi những tội ác của giặc Pháp mà mình chứng kiến cách đây hơn nửa thế kỷ.

Lật giở từng trang ký ức đã nhuốm màu thời gian và xương máu của người dân, người nhân chứng duy nhất còn sống sót sau vụ thảm sát năm nào bắt đầu kể.

Vụ thảm sát 108 người ở Thủy Nguyên 4

Vụ thảm sát 108 người ở Thủy Nguyên 5

Hai dòng chữ in trên đài tưởng niệm ghi sâu tội ác của thực dân Pháp. Ảnh: Duẩn

Xã Hoàng Hoa trước kia được thành lập từ sau khi Cách mạng Tháng 8 lịch sử thành công. Thời điểm bấy giờ, diện tích xã rất rộng lớn, là hợp thể của 3 xã Hoa Động, Hoàng Động và Lâm Động bây giờ.

Vì xã Hoàng Hoa tiếp giáp với TP. Hải Phòng, chỉ cách nhau con sông Cấm nên vùng đất này có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Khi TP. Hải Phòng bị quân địch chiếm đóng, Hoàng Hoa trở thành căn cứ địa, là nơi bộ đội ta đóng quân, tiếp tục duy trì phong trào chống giặc, cứu nước.

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 25/10/1948, Ban chấp hành Đảng bộ Thủy Nguyên đã phát động phong trào phá tề, trừ gian với chỉ thị: “Tiến công đồn giặc, trừ gian diệt ác, phát động chiến tranh du kích".

Vụ thảm sát 108 người ở Thủy Nguyên 6

Bức tượng gợi nhớ vụ thảm sát của thực dân Pháp được đặt đối diện đài tưởng niệm. Ảnh: Duẩn.

Hưởng ứng phong trào này, lực lượng du kích xã Hoàng Hoa được thành lập. Người dân địa phương hăng hái tham gia với ý chí diệt giặc ngoại xâm. Người thanh niên Nguyễn Văn Kiểm khi đó vừa tròn 18 tuổi cũng hăng hái tham gia vào phong trào chung của làng xã.

Thời điểm đó, lực lượng du kích địa phương thường xuyên tổ chức những trận tập kết vào các căn cứ của địch dọc bờ sông Cấm gây cho địch nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do lực lượng còn mỏng, vũ khí thô sơ nên nhanh chóng bị địch đàn áp.

“Tiêu biểu trong 2 ngày 30 và 31/10/1948, Pháp tổ chức đợt càn quét quy mô lớn vào Hoàng Hoa. Chúng điên cuồng đốt phá, bắt bớ và giết chóc người dân vô tội. Tuy bị giặc đẩy lui nhưng phong trào du kích của xã ngày càng lớn mạnh, những trận đánh lớn nhỏ sau đó gây không ít tổn hại cho giặc”, ông Kiểm nhớ lại.

Nhận thấy Hoàng Hoa là cái gai trong mắt, ngày 12/1/1949, 3 tên lính Pháp ở đồn Mặt Nguyệt mang theo súng ống, đạn dược tiến vào xóm Vạn Hóa, xã Hoa Đông bây giờ để cướp bóc, bắt bớ nhân dân.

Vụ thảm sát 108 người ở Thủy Nguyên 7

Ngôi miếu với tâm bia đá có ghi tên, quê quán 108 nạn nhân bị giặc Pháp giết hại. Ảnh: Duẩn

3 tên lính này bị một tiểu đội của đại đội Lê Lợi do đồng chí Doanh là tiểu đội trưởng đang làm nhiệm vụ gần đó phục kích với ý định bắt sống để khai thác tài liệu. Bị phục kích bất ngờ, 3 tên địch chia nhau tháo chạy.

Sau trận phục kích đó, ta tiêu diệt 1 tên địch, bắt sống 1 tên còn 1 tên khác chạy thoát. Ngay đêm hôm đó, 2 đồng chí Phạm Văn Chính và Phạm Văn Tân dự định sẽ áp giải tên địch bị bắt sống về Việt Bắc để khai thác thông tin. Tuy nhiên, khi áp giải giặc đến thôn Câu Tử, do không có thuyền qua sông nên 2 đồng chí buộc phải nghỉ lại.

Sáng sớm hôm sau, một tốp địch đi càn gần căn hầm trú ẩn. Tên địch bị ta bắt giữ tìm cách gây tiếng động ra bên ngoài để liên lạc với đồng bọn. Chỗ trú ẩn bị bại lộ, 2 đồng chí mở nắp hầm xông lên chiến đấu và anh dũng hy sinh.

Hai ngày máu nhuộm đỏ hồ “căm thù”

Sau sự việc trên, địch tổ chức một trận càn quét lớn vào căn cứ du kích của ta ở xã Hoàng Hoa. Trong trận này, chúng dùng đến 800 quân, phần lớn là lính Âu Phi được trang bị vũ khí tối tân, chia làm 5 mũi bao vây Hoàng Hoa. Đi đến đâu chúng cũng ra sức cướp bóc, đốt phá, giết người không cần lý do.

“Thời điểm địch tổ chức trận càn lớn, tôi đi trinh sát thì thấy tiếng động cơ cano và tàu chiến đưa theo lính cùng bộ phận chỉ huy vượt sông Cấm đổ bộ vào Hoàng Hoa. Khoảng một thời gian ngắn sau đó, 3 tiếng súng chát chúa nổ vang báo hiệu cuộc đi càn của địch bắt đầu”, ông Kiểm nhớ lại.

So sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch có chiều hướng bất lợi nên ta chủ động rút lui, tránh đương đầu trực tiếp để bảo toàn lực lượng. Các đơn vị được lệnh rút hết vào hầm trú ẩn.

Vụ thảm sát 108 người ở Thủy Nguyên 8

Ông Nguyễn Văn Kiểm là nạn nhân thứ 109 và cũng là người duy nhất sống sót sau vụ thảm sát. Ảnh: Duẩn

Tuy nhiên, trước đó vài hôm, Thủy Nguyên mưa trắng trời, nước ngập hết cả hầm trú ẩn nên lực lượng của ta không có chỗ ẩn nấp, cứ mạnh ai người ấy tản đi. Đến chiều tối ngày 16/2/1949, ông Kiểm cùng ông Tửu bị giặc bắt khi đang trên đường rút lui.

Chúng áp giải hai người về phía sân đình, sau đó tách 2 ông ra 2 chỗ khác nhau mặc sức tra tấn để lấy lời khai. Chưa dừng ở đó, quân địch còn bắt bớ người già, phụ nữ và cả trẻ em trong làng tập trung hết tại sân đình để tận mặt chứng kiến cảnh chúng tra khảo 2 thanh niên du kích.

Cả toán lính có cả da đen và da trắng cao to lực lưỡng lố nhố vây quay ông Tửu thay nhau đấm đá, đánh đập hết sức dã man nhưng người đàn ông dáng người nhỏ bé vẫn không khai nửa lời.

"Mỗi đợt tra tấn của kẻ thù kết thúc, thân thể ông ấy lại quật lên, đôi mắt căm hờn nhìn chằm chằm vào lũ giặc nhưng miệng thì không hé răng lấy một chữ. Khi biết không moi móc được chút thông tin gì từ ông Tửu, chúng treo ngược ông ấy lên cành cây và sát hại ông ấy rất dã man”, ông Kiểm giọng run run kể lại.

Khi thấy ông Tửu sức đã tàn, chúng cắt dây, dìm ông xuống một chiếc hầm ngập nước ngay gần đó. Sau khi đã giết hại ông Tửu, giặc Pháp tiếp tục quay sang tra tấn, lấy lời khai của ông Kiểm.

Vụ thảm sát 108 người ở Thủy Nguyên 9

Nạn nhân thứ 109 nhớ lại tội ác của giặc Pháp. Ảnh: Duẩn

Một tên lính Tây dáng người cao lớn gầm hét trước mặt ông để hỏi cung. Không nhận được câu trả lời, gã tức tối dùng đầu húc mạnh vào ngực ông.

Cú húc đầu bất ngờ và mạnh đến nỗi làm ông Kiểm gãy 2 chiếc xương sườn. Ngực ông bị bóp nghẹt. Không giống như ông Tửu, khi không khai thác được chút thông tin gì, quân địch ném ông Kiểm ra góc sân đình rồi đi một vòng mặc sức đánh đập tàn bạo những người dân gần đó.

Buổi sáng ngày hôm sau, 3 tên lính lôi ông Kiểm dậy, chúng dí súng vào lưng và dẫn giải ông ra giữa sân đình. Tại đây, tận mắt ông Kiểm chứng kiến những hành động dã man của kẻ thù trên thân thể người dân quê hương mình.

Trên thềm ngôi đình, 2 tên quan sai ngồi trịch thượng trên một chiếc ghế, dưới sân đình, hơn một trăm người dân từ già đến trẻ bị bọn lính bắt quỳ phủ phục trước mặt hai tên quan. Cứ mỗi cái hất hàm của tên quan, hai tên lính lại lần lượt dắt từng người lên trước mặt chúng.

Hơn một trăm người dân vô tội chỉ được chúng hỏi đúng một câu duy nhất: “Súng và cán bộ ở đâu?”. Khi không được người dân cung cấp thông tin, tên lính lại lạnh lùng sát hại người dân ấy bằng dao găm. Hôm ấy, máu nhuộm đỏ sân đình.

“Thỉnh thoảng, khi vừa hành quyết xong một người, tên lính đồ tể da đen trụi lại đưa cặp mắt trắng ởn về phía tôi hất hàm rồi cười đắc ý. Chúng muốn những người du kích như tôi chứng kiến cảnh này để sợ hãi và khai ra nơi cất giấu cán bộ”, ông Kiểm phẫn uất kể lại.

Vu tham sat 108 nguoi o Thuy Nguyen

Vết thương trên cổ ông Kiểm là minh chứng cho tội ác của thực dân Pháp. Ảnh: Duẩn

Cả một buổi sáng, ngay tại sân đình, từng người, từng người một bị giặc hành quyết dưới trời mưa lất phất. Thi thể những người dân vô tội được một nhóm lính khiêng về phía hồ căm thù và ném xuống đó. 108 người dân đã ngã xuống. Dòng nước xanh ngắt của hồ thoáng chốc đã đỏ ngầu màu máu.

Ông Kiểm là người cuối cùng bị chúng xử. Tên quan hai người Pháp đạp dí đầu ông xuống dưới nền đất và không nói một lời. Sau cái hất hàm lạnh ngắt, hai tên lính lực lưỡng tiến lại xốc nách ông giải đi.

Chúng treo ngược đầu ông lên xà nhà. Tên lính Tây tiến lại hỏi ông bằng một giọng tiếng Việt lơ lớ: “Việt Minh ở đâu?” Ông Kiểm không nói gì, chỉ đưa đôi mắt căm hờn nhìn tên lính.

Đáp lại cái nhìn ấy là hàng loạt những cú đá, cú đấm, những trận mưa đòn vào thân thể nhỏ bé của chàng trai 18 tuổi. Sợi dây thép bị đứt, bọn lính không treo ông lên nữa mà áp giải về phía hồ “căm thù”.

Khi áp giải ông đến đình Yến, một tên lính da trắng một tay giữ lấy vai ông, một tay rút con dao găm sắc lạnh phía sau lưng đưa lên cổ ông cất giọng lạnh lùng: “Tao hỏi lần cuối, Việt Minh ở đâu?”.

Nạn nhân thứ 109

68 năm trôi qua nhưng những ký ức đau thương chưa bao giờ phai trong trí nhớ ông Kiểm. Ảnh: Duẩn

Tiếng “không” từ miệng ông Kiểm vừa phát ra thì thằng Tây đưa con dao đâm liên tiếp 3 nhát chí mạng thấu ngực chàng trai trẻ. Tiếp đó, hắn giơ chân đạp ông nằm sấp xuống đất rồi vẫn con dao đó đâm liên tiếp vào người ông. Buổi chiều kinh hoàng ngày hôm đó, ông Kiểm lĩnh trọn 11 nhát dao chí mạng từ tên lính Tây.

Thấy người du kích không còn động đậy, tưởng ông đã chết nên chúng rút đi. Khi tỉnh dậy, biết mình còn sống, ông Kiểm lê chút sức tàn bò vào trong một khuôn viên lăng tẩm, giấu mình trong đám cỏ rậm rạp mọc phía trong. Do mất quá nhiều máu, ông lại tiếp tục ngất đi.

Lần tỉnh lại sau đó, ông Kiểm thấy mình đang nằm điều trị tại nhà cụ Tư Vĩ, một thầy lang giỏi có tiếng ở thôn Hầu. Sau đó, ông tiếp tục được đưa lên vùng chiến khu Đông Triều để chữa trị.

Sau 5 năm điều trị, ông Kiểm tiếp tục tham gia vào phong trào kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Khi chiến tranh qua đi, hòa bình lập lại, ông lại được nhân dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch xã kiêm Bí thư suốt 5 khóa liền.

Thấm thoắt đã 68 năm kể từ cái ngày bi thương của người dân Hoàng Hoa nhưng những hồi ức về một thời cách mạng của vùng đất anh hùng vẫn không lúc nào nguôi trong trái tim ông Kiểm. Ông bảo: “Mỗi khi ký ức sống lại, tôi lại muốn ra hồ, ngồi tâm sự hay thắp cho những người đã khuất trong vụ thảm sát kinh hoàng 68 năm về trước”.

Nguyễn Duẩn
Theo Đời sống Plus/GĐVN