Thứ sáu, 22/11/2024 | 15:17
RSS

Vụ Khaisilk lừa dối khách hàng: Hội Bảo vệ người tiêu dùng đang ở đâu?

Thứ bảy, 28/10/2017, 14:43 (GMT+7)

"Hội Bảo vệ người tiêu dùng không hề có hoạt động gì để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, từ an toàn thực phẩm cho đến những sản phẩm tiêu dùng khác", Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh nói.

Vụ Khaisilk ĐBQH đề nghị xử lý nghiêm để răn đe

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Liên quan đến vụ Khaisilk bán khăn "made in China", trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 27/10 về vụ việc của Khaisilk nhập khăn lụa từ Trung Quốc rồi dán mác “Made in Vietnam”, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng cần phải xem Hội Bảo vệ người tiêu dùng “mọc ra” rồi hoạt động như thế nào.

Theo bà Khánh chia sẻ trên Infonet, Hội Bảo vệ người tiêu dùng chưa bao giờ có hoạt động nào để chứng minh họ đang… tồn tại ngoài vụ việc công bố kết luận về chất lượng nước mắm năm 2016.

“Nếu Hội Bảo vệ người tiêu dùng còn hoạt động thì chúng ta cũng cần phải lên tiếng để họ hành động. Còn nếu họ không có hành động gì thì chúng ta cũng không cần sự tồn tại của Hội”, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nói.

“Theo tôi, Hội Bảo vệ người tiêu dùng không hề có hoạt động gì để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, từ an toàn thực phẩm cho đến những sản phẩm tiêu dùng khác”, Đại biểu Khánh nói tiếp.

Bà cũng cho rằng có thể từ trước đến nay cơ quan này cho rằng đây không phải là vấn đề gây chết người như an toàn thực phẩm, hoặc cũng có thể họ tin tưởng Khaisilk là doanh nghiệp lớn, nên không kiểm tra, báo Zing news đưa tin.

“Đây cũng là vụ việc cảnh báo các ngành chức năng không được chủ quan. Nếu cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra thường xuyên thì người ta cũng không đến mức vi phạm như vậy. Đây là bài học để các ngành chức năng phải chấn chỉnh”, bà Khánh nói.

Cơ quan chức năng, nhất là cơ quan điều tra cần làm rõ ông Khải đã làm việc này từ bao giờ, mức độ như thế nào. Mua bán gì cũng đều có sổ sách ghi chép, cần xem lại, và truy nộp công quỹ. 

"Cần xử lý nghiêm để răn đe. Chúng ta có thể mất hẳn doanh nghiệp này nhưng cứu được doanh nghiệp khác", bà nói.

Theo bà, chính việc người tiêu dùng như bà không lên tiếng khiến doanh nghiệp thấy "ngon ăn" quá, tiền bất chính giúp họ ăn nên làm ra, tưởng mình đúng. Kết cục là vụ việc đổ vỡ. 

"Vụ việc Khaisilk bán hàng Trung Quốc làm mất hẳn thương hiệu lụa tơ tằm Việt Nam Người ta mất lòng tin rồi.

Đó là một con sâu làm rầu nồi canh, chúng ta phải xử lý nghiêm minh để có tính răn đe cho các doanh nghiệp khác, nếu đang làm điều tương tự - có hành vi lừa dối khách hàng, thì dừng lại", bàKhánh nói.

Ngô Huệ (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN