Thứ sáu, 19/04/2024 | 19:39
RSS

Ai cứu được Khaisilk?: Bài học xử lý khủng hoảng của Sam Sung

Thứ sáu, 27/10/2017, 12:08 (GMT+7)

Việc cần làm là Khaisilk cần dũng cảm đứng ra đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng cả về vật chất, tinh thần, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch hãng Luật Basico cho biết.

xử lý khủng hoảng vụ Khaisilk bán khăn made in ChinaLuật sư "mách nước" xử lý khủng hoảng vụ Khaisilk bán khăn "made in China"  

Trước việc Khaisilk một thương hiệu lớn bị tố bán khăn “made in China” cho người tiêu dùng khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Ngày 25/10, doanh nhân Hoàng Khải ngày đã lên tiếng thừa là hơn 30 năm qua nhập tới 50% lượng hàng (đã bán ra) từ Trung Quốc

Có thể nói, việc dùng uy tín của mình để đánh lừa người tiêu dùng bằng sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ không đúng, là không thể chấp nhận được. Điều này đã làm mất đi uy tín mà thương hiệu mà Khaisilk từng quảng bá. Người tiêu dùng cũng vô cùng thất vọng về giá trị của sản phẩm không đạt được như những gì họ bỏ ra khi sử dụng sản phẩm của Khaisilk.

Đành rằng lụa tơ tằm Trung Quốc là danh tiếng và dù nguồn nguyên liệu tơ tằm thuần Việt trong nước là không đủ nhưng không vì thế mà Khaisilk có quyền lừa dối khách hàng. 

Thương hiệu càng lớn càng phải trung thực. Các nhãn hàng quốc tế như Apple, Nike, Adidas… đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc đều ghi rõ "made in China" nhưng sản phẩm của họ vẫn được ưa chuộng vì được chế tạo theo chuẩn chung, toàn cầu của chính thương hiệu đó.

Ai cứu Khaisilk? Một lời xin lỗi, một cú cúi gập người ăn năn không giải quyết được vấn đề. Khaisilk có thể vực dậy từ vấp ngã này thế nào? Bài học từ Samsung với sự cố nổ pin Galaxy Note 7 có thể là gợi ý cho ông Hoàng Khải vào lúc này. 

Samsung Note 7 ra mắt hồi tháng 8/2016. Tuy nhiên, tháng 9/2016, Samsung phải thu hồi khoảng 2,5 triệu thiết bị sau khi có những khiếu nại về máy quá nóng và pin phát nổ.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Chủ tịch bộ phận di động của Samsung Koh Dong-jin đã tổ chức họp báo đưa ra lời xin lỗi sau sự cố Galaxy Note7, khẳng định sẽ làm mọi giá để tìm ra nguyên nhân chính xác gây nên sự cố trên Galaxy Note7.
 
Đồng thời vị Chủ tịch này cũng tuyên bố thu thồi tất cả những sản phẩm Galaxy Note 7 trên toàn cầu, hoàn trả mọi chi phí cho khách hàng. Việc thu hồi sản phẩm được cho là thiệt hại 5,3 tỷ đôla và ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của hãng. 

Tại buổi họp báo sáng 23/1/2017, ông Koh Dong-jin cũng cho biết: “Đây là một cuộc khủng hoảng đau đớn”, tuy nhiên Samsung đã học hỏi được nhiều điều từ sự cố này.

Giống như Samsung, nhiều hãng xe lớn như Mercedes-Benz thu hồi gần 1.200 xe ô tô vì lỗi hệ thống điện, Mitsubishi bị triệu hồi hàng nghìn xe vì lỗi hệ thống túi khí. 

Tương tự, Toyota Việt Nam triệu hồi hơn 20.000 xe Vios, Yaris vì gặp lỗi… Những thương hiệu lớn họ không ngần ngại đối mặt với khủng hoảng khi chất lượng thương hiệu giảm sút và sẵn sàng bồi thường cho khách hàng để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng. 

Nói thêm về việc này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch hãng Luật Basico cho rằng: "Doanh nghiệp sợ nhất là người tiêu dùng tẩy chay hàng hoá, sợ không bán được hàng chứ không sợ bị luật pháp xử phạt hành chính."

Theo vị luật sư của Basico, việc cần làm là Khaisilk cần dũng cảm đứng ra đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng cả về vật chất, cả về tinh thần. "Họ có dám thực hiện đền bù thiệt hại như sự cố cháy nổ pin của Samsung vừa qua hay triệu hồi của nhiều thương hiệu xe ô tô trên thế giới hay không. Nếu không đừng hy vọng người tiêu dùng sẽ tin vào những gì anh làm", LS Đức nhấn mạnh.

Cứu lụa tơ tằm Khaisilk vào lúc này, chỉ có khách hàng. Làm thế nào để lấy lại niềm tin từ họ, đó là chặng đường dài mà ông chủ Khaisilk nếu muốn tìm lại cần sự thẳng thắn và dũng cảm đối mặt, chấp nhận sửa sai của doanh nhân Hoàng Khải.

Ngô Huệ
Theo Đời sống Plus/GĐVN