Chủ nhật, 19/01/2025 | 05:56
RSS

Vụ 39 thi thể trong container: 35 nạn nhân có thể là người Việt

Thứ ba, 05/11/2019, 21:09 (GMT+7)

“Hiện nay, theo thông tin từ các gia đình ở khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… có 35 trường hợp theo thông tin trình báo của các gia đình có dấu hiệu liên quan tới vụ 39 người tử vong", Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an cho hay.

Theo Thanh Niên, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 5/11, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, đến thời điểm này, đã có 35 gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình trình báo dấu hiệu có thể người thân là nạn nhân trong số 39 người chết trong container tại Anh.

Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Ngọc cho hay việc thông báo danh tính nạn nhân sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật Anh. Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với Anh, sau khi xác định được danh tính, tuỳ theo quy định của pháp luật và phong tục tập quán, để thông báo với địa phương và gia đình.

Chia sẻ thêm về nội dung này khi bắt đầu buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân tử vong trong xe container tại Anh; đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng "làm hết sức để bảo hộ công dân"; động viên, hỗ trợ thân nhân người gặp nạn.

Ông Dũng cho biết, dự kiến trong hôm nay hoặc sáng mai (6/11), đoàn công tác Việt Nam phối hợp với phía Anh sẽ công bố danh tính 39 nạn nhân trên tinh thần "sớm nhất có thể, nhưng còn phụ thuộc vào cơ quan chức năng phía Anh".

Vụ 39 thi thể trong container: Tổng cộng có 35 gia đình trình báo Upload                                 
Hình ảnh từ buổi họp báo. Ảnh: Lao Động

Cũng trong cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của Lao Động về giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng đi lao động ở nước ngoài trái phép, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội chia buồn với thân nhân của 39 nạn nhân thiệt mạng tại Anh và nhấn mạnh cần làm rõ đây là hai vấn đề khác nhau. “Tội phạm buôn bán người và di cư bất hợp pháp khác hoàn toàn với việc chúng ta tổ chức cho lao động đi làm việc tại nước ngoài” – ông nhấn mạnh.

“Đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài đều đảm bảo minh bạch, địa bàn, mức lương, được bảo hộ công dân, có bảo hiểm xã hội” – Bộ trưởng lưu ý.

Cũng theo người đứng đầu Bộ Lao động Thương binh Xã hội, hiện có 2 hiện tượng là doanh nghiệp không có chức năng nhưng mượn phép, liên doanh liên kết trá hình đưa đi và doanh nghiệp không được phép nhưng cò mồi, làm chui, làm lậu.

Do vậy, với 400 doanh nghiệp kinh doanh được cấp phép, Bộ quản lý rất chặt chẽ. Gần đây, Bộ đã thanh tra, kiểm tra 118 doanh nghiệp. Bộ trưởng cũng đã thu hồi, đình chỉ thậm chí cấm vĩnh viễn doanh nghiệp có vi phạm.

“Có nhiều người ở địa phương đi nhưng không chịu về, điển hình là năm 2016, 56% người Việt Nam lao động ở lại Hàn Quốc. Chúng tôi dùng rất nhiều biện pháp, kể cả ký quỹ, đình chỉ tạm thời những địa phương không được cử đi. Những doanh nghiệp vi phạm cũng bị đình chỉ” – ông nói.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN