Thứ bảy, 14/09/2024 | 11:08
RSS

Việt Nam xảy ra 35.000 ca biến chứng thẩm mỹ mỗi năm

Thứ sáu, 27/05/2022, 07:34 (GMT+7)

Mỗi năm, Việt Nam có 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó khoảng 25.000-35.000 ca biến chứng thẩm mỹ, chiếm tỷ lệ 14%.

Việt Nam xảy ra 35.000 ca biến chứng thẩm mỹ mỗi năm

Ảnh minh hoạ

Theo Dân trí, ngày 26/5, tại hội nghị khoa học Ứng xử ra sao với sự cố y khoa do báo Tiền Phong tổ chức, bác sĩ (BS) Nguyễn Phan Tú Dung - Giám đốc bệnh viện Thẩm Mỹ JW cho biết, thống kê trong 3 năm, chỉ riêng bệnh viện thẩm mỹ của ông tiếp nhận đến hơn 500 ca tai biến thẩm mỹ. Trong đó đa số là các trường hợp đi phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) "chui".

BS Dung dẫn số liệu của Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam có 479 phòng khám da liễu (chiếm 56%) trên toàn quốc đã thực hiện PTTM dù không được phép. Mỗi năm, Việt Nam có 250.000 người PTTM, trong đó khoảng 25.000-35.000 ca biến chứng thẩm mỹ, chiếm tỷ lệ 14%. Đặc biệt theo bác sĩ thẩm mỹ, vấn đề rất cần quan tâm hiện nay là việc tiêm filler vô tội vạ gây biến chứng nặng nề.

"Nhiều cơ sở thẩm mỹ tiêm filler mà không có trình độ chuyên môn, không được phép gây các ảnh hưởng như hoại tử, thương tật cơ thể hoặc thậm chí tử vong. Nhiều trường hợp trải qua hàng chục lần xử lý tai biến..." - BS Tú Dung nói.

Để xử lý triệt để vấn đề thẩm mỹ “chui”, BS Dung khuyến nghị pháp luật cần nghiêm khắc hơn, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường giám sát, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp này. Người đứng đầu các cơ sở làm đẹp, spa phải đặt cái tâm lên hàng đầu, tránh vì lợi nhuận mà làm liều gây hại đến bệnh nhân…

Theo TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện SIS Cần Thơ, sự cố y khoa (SCYK) có thể xảy đến bất ngờ, không chỉ riêng trong phòng điều trị. Như đang nằm trên xe cấp cứu văng ra khỏi cửa té xuống đường; hay xuất viện mừng quá, không chú ý té đập đầu xuống nền nhà gây chấn thương sọ não; hoặc sự cố hy hữu như gọi nhầm tên, không đầy đủ năm sinh, giới tính gây mổ nhầm...

Nguồn tin trên báo Tiền phong cho biết, theo BS CK2 Bùi Nguyễn Thành Long, Phó phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế TPHCM, SCYK tại Việt Nam vẫn chưa được thống kê đầy đủ. Trong đó, có đến 70% nguyên nhân đến từ lỗi hệ thống và 30% từ lỗi cá nhân.

“Chúng ta không nên định kiến, và nên cởi mở với những sai sót, SCYK không mong muốn và giúp các đồng nghiệp ngành y không lặp lại sai sót đó”, BS Long nói. Tuy nhiên, theo ông, cần có quy trình giám sát, kiểm tra, nhắc nhở tối ưu. Càng có nhiều hàng rào giám sát thì càng ít SCYK xảy ra.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại