Thứ năm, 21/11/2024 | 21:35
RSS

Việt Nam áp dụng phương pháp gộp mẫu xét nghiệm Covid-19

Thứ hai, 10/08/2020, 14:55 (GMT+7)

Việc gộp mẫu giúp tiết kiệm nguồn lực, cho kết quả nhanh, giúp đẩy nhanh xét nghiệm sàng lọc Covid-19, phát hiện sớm khối lượng lớn các ca bệnh nghi ngờ.

Sự kiện:
Covid-19

Việt Nam áp dụng phương pháp gộp mẫu xét nghiệm Covid-19

Xét nghiệm covid-19 bằng phương pháp gộp mẫu giúp tiếp kiệm nguồn lực, cho kết quả nhanh. Ảnh minh họa

Trước tình hình diễn biến dịch phức tạp của dịch Covid-19, F0 mất dấu, nguy cơ dịch lây lan rộng, trong khi nguồn lực xét nghiệm còn hạn chế, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã đề xuất giải pháp đẩy mạnh xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp mới là gộp mẫu (pool) để xét nghiệm Realtime RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2

Giải thích về phương pháp này, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, phó Trưởng Tiểu ban điều trị cho biết phương pháp xét nghiệm gộp mẫu (pool) là phương thức xét nghiệm lấy một phần của mỗi trong các mẫu để đưa vào gộp và tách chiết, xét nghiệm, phần còn lại của các mẫu được bảo quản để xét nghiệm riêng rẽ lại lần 2 nếu xét nghiệm mẫu gộp dương tính.

Việc gộp mẫu giúp tiếp kiệm nguồn lực, cho kết quả nhanh, giúp đẩy nhanh xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm khối lượng lớn các ca bệnh nghi ngờ, các đối tượng tiếp xúc F1 và những người nguy cơ để hạn chế tình hình lây lan trong cộng đồng và hạn chế tình trạng tử vong. 

“Việc gộp mẫu có ý nghĩa lớn nhất là tăng năng lực xét nghiệm để sàng lọc nhanh chóng số lượng người cần được xét nghiệm trong khi vẫn bảo đảm độ tin cậy, qua đó có các biện pháp phòng dịch sớm, kịp thời, đồng thời tiết kiệm được nhân lực, các vật tư xét nghiệm cho phòng chống dịch dự kiến còn kéo dài.” – ông Khuê nói.

Hiện Bộ Y tế đã cho phép thực hiện phương pháp gộp mẫu (pool) thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR để phát hiện virus corona. Đây được coi là đề xuất đột phá của Cục quản lý Khám, chữa bệnh và sự thống nhất ủng hộ của lãnh đạo Bộ Y tế trong bối cảnh việc xét nghiệm đang phải tiếp tục mở rộng đối với các đối tượng nguy cơ.

Theo ông Khuê, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu chứng tỏ hiệu quả của phương pháp gộp mẫu thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR để phát hiện virus SARS-CoV-2. Trong đó có Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ).

Nghiên cứu tại Hoa Kỳ chứng tỏ hiệu quả của phương pháp gộp mẫu để xét nghiệm phát hiện virus corona. Cụ thể như nếu tỉ lệ hiện mắc Covid-19 trong cộng đồng dưới 10% thì làm xét nghiệm pool sẽ tiết kiệm được gần 69% năng lực xét nghiệm, hơn nữa thời gian trả kết quả sẽ giảm xuống rất nhiều và làm được số lượng mẫu rất lớn cho cả một nhóm người, khu vực hay địa bàn. 

Ông Khuê cho biết thêm một ví dụ điển điển hình là tại Israel đã áp dụng phương pháp này, chứng minh khi xét nghiệm 184 mẫu bệnh phẩm, gộp 8 mẫu trong 1 lần làm xét nghiệm để so sánh với 184 lần làm riêng lẻ, kết quả cho thấy không có sự khác biệt. 

Qua thực tế xét nghiệm 26.576 mẫu bệnh phẩm, Israel đã phát hiện ra 31 bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng, chứng minh chiến lược xét nghiệp gộp mẫu 8 giúp tăng công xuất xét nghiệm lên 7,3 lần, trong khi vẫn duy trì độ nhạy ở mức cao. Ngoài Israel, Singapore và Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng đã áp dụng việc gộp mẫu để xét nghiệm Covid-19.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN