Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:32
RSS

Vì sao lô gỗ sưa ‘trăm tỷ’ ở Hà Nội ế khách mua?

Thứ năm, 12/12/2019, 15:26 (GMT+7)

Ban khai thác, quản lý giám sát tài sản của cộng đồng dân cư thừa nhận, hình thức bán đã gây ảnh hưởng một phần đến nhu cầu mua gỗ của các cá nhân, tổ chức.

Vì sao lô gỗ sưa ‘trăm tỷ’ ở Hà Nội chỉ được bán đấu giá
Lô gỗ sưa đỏ ở Hà Nội chỉ được bán đấu giá dù liên tiếp thất bại.

Sáng 12/12, trao đổi với PV, ông Đinh Văn Lai, Trưởng thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính (Chương Mỹ Hà Nội) cho biết, địa phương này chưa có kế hoạch gì đối với lô gỗ sưa đang nằm trong thùng container đặt ở nhà văn hóa thôn.

Trước thực trạng bán đấu giá lô gỗ sưa liên tục thất bại, một lãnh đạo thôn Phụ Chính (kiêm lãnh đạo Ban khai thác, quản lý giám sát tài sản của cộng đồng dân cư) thừa nhận, hình thức bán đã gây ảnh hưởng một phần đến nhu cầu mua gỗ của các cá nhân, tổ chức.

“Hình thức bán cũng là một vấn đề nhưng nếu bán theo kiểu “tay bo” cũng nguy hiểm vì nhiều người lại cho rằng không minh bạch. Bán xong rồi lại bảo người này, người kia được hưởng lợi riêng từng này tiền. Cứ bán đấu giá là công khai, minh bạch nhất”, vị này phân tích.

Liên quan đến vụ việc trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã ra văn bản đề nghị chính quyền sở tại hướng dẫn người dân thôn Phụ Chính thực hiện lập hồ sơ khai thác theo quy định tại Điều 7 Thông tư 21/2016/TT-BNNPTNT khi chặt hạ, bán nốt số gỗ sưa còn lại.

Văn bản nêu rõ, việc tổ chức bán đấu giá gỗ sưa sau khai thác phải thực hiện công khai theo đúng trình tự quy định của pháp luật Sau khi hoàn tất thủ tục bán đấu giá, cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính phải thông báo cho Hạt Kiểm lâm Chương Mỹ xác nhận khối lượng gỗ và đóng dấu búa kiểm lâm theo quy định.

Theo thông báo đấu giá của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản - Sở Tư pháp Hà Nội (đơn vị được ký hợp đồng thực hiện bán lô gỗ sưa) hồi tháng 8 vừa qua, tổng khối lượng gỗ thu về khi tiến hành chặt hạ 2 cây gỗ sưa quý lên tới 6,5 tấn (không phải hơn 5 tấn như thông tin trước đó). Ước tính, tổng số tiền tạm tính theo giá khởi điểm là hơn 146 tỷ đồng.

Trước đó, cuối tháng 1/2019, người dân địa phương đã chặt hạ, khai thác cây sưa đỏ quý hiếm có tuổi đời trên 130 năm trong khuôn viên đình thôn Phụ Chính. Đồng thời, một cây sưa đỏ cổ thụ khác, nằm cạnh “cây sưa trăm tỷ” cũng được người dân tiến hành khai thác.

Người dân nơi đây kể lại, ở thời điểm gỗ sưa đắt đỏ, cây gỗ sưa có tuổi đời trên 130 năm được trả giá trên 100 tỷ đồng. Qua tìm hiểu, vào năm 2016, người dân thôn Phụ Chính đã làm đơn xin chính quyền cấp phép bán cây sưa để phục vụ nhiều công trình phúc lợi, trùng tu các di tích nhưng chưa nhận được sự đồng ý.

Tháng 10/2018, UBND TP Hà Nội ra văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng trình tự pháp luật.

Nguyễn Long
Theo Đời sống Plus/GĐVN