Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả 8 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 1 tỉ USD, tăng 93,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó mặt hàng rau ước đạt 190 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2016 và mặt hàng quả đạt 809 triệu USD, tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2016.
Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong những tháng đầu năm 2017 là thị trường Thái Lan chiếm gần 62% thị phần, tiếp đến là thị trường Trung Quốc chiếm 16%.
Thị trường có giá trị nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất là Thái Lan (gấp 3,2 lần), tiếp đến là thị trường Ấn Độ (gấp 2,2 lần) và New Zealand (tăng 53,5%).
Liên quan đến việc nhập khẩu trái cây từ Thái Lan ngày càng tăng vọt, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, Thái Lan chủ yếu xuất khẩu sang Việt Nam trái bòn bon, măng cụt, nhãn, mít… số lượng tăng hơn nhiều năm nguyên nhân chính do Việt Nam tạm nhập sau đó tái xuất sang Trung Quốc, chiếm trên 90%, còn khoảng 10% trái cây Thái được người Việt tiêu thụ.
Trong 6 tháng đầu năm 2017 giá trị nhập khẩu rau quả ở tất cả các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thị trường có giá trị nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất là Thái Lan (gấp 2,5 lần), tiếp đến là thị trường Ấn Độ (gấp 2,1 lần) và Hàn Quốc (tăng 76,9%).
Trước đó, Bộ Công Thương cũng cho biết, nhập khẩu rau quả tăng mạnh do các loại trái cây tại Việt Nam đang trong giai đoạn mất mùa do ảnh hưởng của tình trạng hạn hán và xâm ngập mặn nên nguồn cung trái cây trong nước bị hạn chế.
Bên cạnh đó, việc giảm thuế quan từ các Hiệp định Thương mại tự do và đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu hàng hóa nói chung và trái cây nói riêng làm gia tăng các đầu mối nhập khẩu rau quả nên giá thành trái cây nhập khẩu giảm (cụ thể: thuế nhập khẩu theo cam kết của Việt Nam tại các FTA như ATIGA, AANZFTA, ACFTA, AKFTA, VKFTA… đều là 0% cho các loại trái cây; chỉ cần giấy kiểm dịch) và doanh nghiệp Việt Nam tăng cường nhập khẩu trái cây từ Thái Lan để chế biến và tái xuất gồm sầu riêng và nhãn.