Những ngày gần đây, người dùng liên tục than phiền vì không vào được Facebook, Google và nhiều website quốc tế khác do sự cố đứt cáp quang biển AAG. Được biết, đợt đứt cáp quang biển đầu tiên trong năm 2017, nguyên nhân là do nguồn điện ở vùng biển Vũng Tàu (Việt Nam) bị rò.
Tuy nhiên, nhiều người lại khẳng định “thủ phạm” gây ra sự cố đứt cáp quang biển lần này tiếp tục là cá mập. Vậy, tại sao cá mập thích cắn cáp biển đến vậy bởi tính từ năm 2014 đến nay, đây đã là lần thứ 10 tuyến cáp quang biển AAG bị gián đoạn, gặp sự cố dù không phải lần nào cũng do cá mập cắn.
Trên thực tế, các vụ cá mập cắn cáp quang dưới đáy biển xảy ra khá phổ biến. Báo VnExpress trích một bài báo được đăng trên tờ New York Times vào năm 1987 cho biết, bằng chứng đầu tiên về việc cá mập cắn đứt cáp quang được phát hiện trên một tuyến cáp thử nghiệm ở vùng biển gần quần đảo Canary.
Ông James M. Barrett (cựu phó giám đốc kỹ thuật quốc tế của Công ty điện thoại và điện báo Mỹ AT&T) tiết lộ, cá mập đặc biệt thích cắn sợi cáp quang bởi khoảng 88,5 – 96,5 nghìn km đường cáp quang cũ làm bằng đồng không hề có bất kỳ vết răng cắn nào của loài “sát thủ đại dương”.
Lý giải về việc vì sao cá mập thích cắn cáp biển, một số người cho rằng chính dòng điện chạy qua đường cáp quang đã thu hút và kích thích cảm giác háu đói của cá mập. Họ tin rằng, miệng cá mập có các cảm biến điện thế để tìm mồi, do đó rất có thể chúng bị nhầm đường cáp quang với thức ăn.
Dù vậy, các nhà khoa học không đồng tình với giả thuyết này vì cho rằng chúng thiếu cơ sở. Giới chuyên gia giải thích, đường cáp quang dưới đáy biển truyền dẫn tín hiệu bằng ánh sáng, không hề có điện chạy qua nên không thể kích thích cá mập thèm ăn được.
Bàn về vấn đề này, tiến sĩ Chris Lowe (phòng thí nghiệm Cá mập của Đại học California, Mỹ) cho biết, nguyên nhân cá mập cắn cáp quang biển có thể là vì tò mò. Tiến sĩ Lowe lấy ví dụ, nếu đưa cho cá mập một đoạn nhựa có hình dạng giống sợi cáp quang, nhiều khả năng chúng cũng sẽ nhai ngấu nghiện đoạn nhựa đó.
Được biết, để đối phó với việc cá mập thích cắn cáp biển, tháng 8/2014, Google đã từng đầu tư 300 triệu đô la Mỹ vào hệ thống đường cáp quang tốc độ cao FASTER. Theo đó, hệ thống cáp trọng yếu này được phủ bằng một vật liệu tương tự như loại sợi kevlar vốn được dùng để chế tạo áo giáp chống đạn với hy vọng có thể chống lại hàm răng sắc nhọn của cá mập.
Quay trở lại sự cố đứt cáp quang Việt Nam lần này, nguồn tin từ báo Infornet cho biết, dự kiến tàu sửa chữa sẽ tiếp cận vị trí lỗi vào khoảng 11h ngày 23/1; mối hàn đầu tiên sẽ được hoàn thành vào lúc 17h ngày 25/1; mối hàn cuối cùng sẽ được hoàn tất vào 3h ngày 28/1 (tức mùng 1 Tết Nguyên đán).
Thời điểm hoàn tất việc chôn cáp quang dự kiến là vào 7h ngày 29/1/2017 (mùng 2 Tết Nguyên đán). Khi đó, kênh truyền trên tuyến cáp quang này sẽ được khôi phục 100%.
Như vậy, theo kế hoạch dự kiến nêu trên, phải gần 17 ngày nữa sự cố đứt cáp quang biển AAG mới được khắc phục hoàn toàn, chậm hơn rất nhiều so với thông báo chỉ 8 ngày trước đó của VNPT Vinaphone (từ 18 - 23/1/2017).