Trước hết cần làm rõ, mục tiêu cuối cùng của việc điều trị bệnh là gì? Quan niệm trước đây cho rằng mục tiêu cuối cùng của công tác điều trị là cứu sống được bệnh nhân. Thế nhưng quan niệm đó đã dần thay đổi nhất là từ sau thế chiến thứ hai.
Số lượng thương binh trong chiến tranh là rất lớn, dù cho họ có được điều trị cứu sống nhưng họ lại không hòa nhập được trở lại cuộc sống như trước kia vì họ có những khiếm khuyết và họ trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội
Vì vậy, quan niệm về mục tiêu cuối cùng của việc điều trị bệnh đã thay đổi, đó không còn dừng lại ở việc cứu sống bệnh nhân nữa mà phải tiến xa hơn.
Điều trị cứu sống xong chưa đủ mà còn phải đưa bệnh nhân hòa nhập trở lại với cuộc sống hàng ngày, để họ không phải là gánh nặng cho người khác. Đó mới là mục tiêu cuối cùng của khái niệm "điều trị"
Và vai trò của Vật lý trị liệu phục hồi chức năng chính là hoàn thành mục tiêu cuối cùng của việc điều trị đó.
Cùng xem một ví dụ để thấy rõ vai trò này của vật lý trị liệu – phục hồi chức năng. Một người đàn ông làm nghề sửa xe, trụ cột của gia đình, không may bị tai nạn vùng đầu. Bệnh nhân được cấp cứu và cứu sống.
Khi xuất viện bệnh nhân lại không thể tiếp tục làm nghề sửa xe do di chứng là yếu liệt nửa người. Bệnh nhân không còn lao động được nữa, trở thành gánh nặng cho gia đình. Trường hợp này xem như là điều trị chưa thành công vì chỉ dừng lại ở việc cứu sống bệnh nhân.
Người bệnh tuy còn sống nhưng không còn vai trò hữu ích trong xã hội. Cũng trường hợp này nếu như bệnh nhân được can thiệp vật lý trị liệu- phục hồi chức năng, điều trị phục hồi dần các di chứng, được tư vấn các dụng cụ hỗ trợ chuyên biệt về phục hồi chức năng giúp bệnh nhân trở lại công việc hàng ngày, không phụ thuộc gia đình thì xem như đạt được mục tiêu cuối cùng của việc điều trị.
Từ đây có thể nói rằng vật lý trị liệu – phục hồi chức năng ra đời để hoàn thiện cho nền y khoa ngày một phát triển.
Khi vật lý y khoa ngày một phát triển, các phát minh máy móc ngày một hiện đại, vật lý trị liệu không còn bó buộc trong phạm vi chỉ là điều trị phục phồi nữa. Đối với một số dạng bệnh, người bệnh không cần phải uống thuốc chỉ cần điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu cũng sẽ khỏi. Do đó ngày nay vật lý trị liệu được xếp vào chung với y học điều trị lẫn y học phục hồi.