Thứ sáu, 26/04/2024 | 05:08
RSS

Uống rượu bị cồn ruột, bụng đói cồn cào là do đâu? Khắc phục thế nào?

Thứ ba, 06/06/2023, 17:40 (GMT+7)

Uống rượu bia bị cồn ruột, bụng đói cồn cào là tình trạng của nhiều người khi gặp phải mỗi lần nhập tiệc. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là do đâu và khắc phục thế nào hiệu quả. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

I - Tại sao sau khi uống rượu hay bị cồn ruột?

1. Do axit dạ dày

Dạ dày hấp thu dinh dưỡng mà cơ thể cần và loại bỏ chất thải bằng cách thêm các axit và enzym vào các loại thực phẩm mà bạn ăn, uống mỗi ngày. Dạ dày sẽ phân loại các chất đó và sẽ phân hủy những chất dư thừa trước khi chúng đi đến ruột.

Khi uống rượu sẽ gây ra hiện tượng trào ngược axit từ dạ dày lên cổ họng, gây ra một số triệu chứng như đầy hơi, ợ nóng. Một số nghiên cứu cho thấy rằng, uống rượu bia có thể khiến dạ dày tiết ra nhiều axit hơn bình thường. Nếu tình trạng này diễn ra trong một khoảng thời gian dài sẽ gây bào mòn niêm mạc dạ dày, khiến dạ dày bị tổn thương, gây đau đớn và viêm nhiễm. Nguy hiểm nhất chính là tình trạng viêm loét dạ dày và ung thư dạ dày có thể gây tử vong.

Axit dạ dày là nguyên nhân gây cồn cào ruột khi uống rượu

2. Do hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích hay còn được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau: đại tràng co cứng, viêm đại tràng niêm mạc, đại tràng kích thích, viêm đại tràng co cứng… Những triệu chứng có thể rõ ràng nhận thấy khi bạn mắc hội chứng ruột kích thích đó là: đau quặn bụng, cồn ruột, bụng cồn cào, tiêu chảy, táo bón, đây hơi…

Do đó, khi bạn mắc căn bệnh này kết hợp với những tác động của rượu bia vào đường ruột thường sẽ xuất hiện tình trạng bụng đói cồn cào, cồn ruột và những triệu chứng khó chịu khác.

Uống rượu xong bị cồn ruột còn có thể do hội chứng ruột kích thích

3. Do chứng viêm dạ dày ruột

Viêm dạ dày ruột là một trong số nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng cồn ruột mỗi khi uống rượu bia. Đây là một tình trạng khá phổ biến và có những triệu chứng điển hình như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.

Thông thường viêm dạ dày ruột thường tự khỏi trong khoảng một tuần. Nhưng trong một tuần đó bạn sẽ luôn cảm thấy khó chịu và ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng cuộc sống của mình. Đặc biệt, viêm dạ dày ruột là một căn bệnh có truyền nhiễm, dễ lây lan sang người khác bởi vi khuẩn và vi rút gây nên bệnh.

Hội chứng viêm dạ dày ruột cũng là một trong những lý do phổ biến

4. Các nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân gây nên tình trạng uống rượu bị cồn ruột, bụng đói cồn cào được nêu trên, còn một số nguyên nhân khác cũng quan trọng không kém bởi nó trực tiếp gây nên tình trạng khó chịu này:

  • Sử dụng rượu bia không rõ nguồn gốc: Một số loại rượu bia không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu bia giả gây ra nhiều tình trạng khó chịu cho người uống, một trong số đó là vấn đề người uống sẽ cảm thấy cồn ruột, bụng đói cồn cào.
  • Uống rượu cùng với thức ăn không đảm bảo vệ sinh: Cũng giống như việc sử dụng rượu bia giả, không rõ nguồn gốc. Nếu bạn nhậu cùng với các thức ăn không đảm bảo vệ sinh, tình trạng cồn ruột sẽ diễn ra nặng nề, khó chịu hơn.
  • Do vi khuẩn trong đường ruột: Như chúng ta cũng đã biết, trong đường ruột tập rất nhiều vi khuẩn có lợi cũng như vi khuẩn có hại. Khi sử dụng rượu bia quá mức, các lợi khuẩn sẽ bị tiêu diệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các hại khuẩn phát triển. Sự mất cân bằng này sẽ gây nên nhiều vấn đề về hệ tiêu hóa, trong đó có tình trạng cồn ruột.
  • Dây thần kinh bị kích thích: Trong đường ruột cũng có rất nhiều các dây thần kinh. Khi những dây thần kinh này bị rượu bia tác động sẽ làm rối loạn, gây tiêu chảy, đau bụng, cồn cào ruột, đi ngoài nhiều lần…

Một số nguyên nhân khác gây cồn ruột khi uống rượu

II - Bị cồn ruột sau khi uống rượu phải làm sao?

Nếu tình trạng bị cồn ruột, bụng đói cồn cào khi uống rượu bia không phải là do bệnh lý mà là do các nguyên nhân đơn giản khác, bạn không cần phải sử dụng thuốc để điều trị mà có thể áp dụng một số loại thực phẩm và phương pháp sau đây để có thể giảm thiểu được tình trạng này:

1. Cơm trắng

Cơm trắng là thực phẩm thiết yếu hàng ngày và không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của mọi gia đình. Cơm là nguồn dinh dưỡng chứa hàm lượng tinh bột lớn. Mỗi khi ăn cơm, dạ dày của bạn sẽ được hấp thụ phần nào lượng axit quá mức. Từ đó những cơn đau và cồn ruột sẽ được giảm thiểu một cách rõ rệt.

Ngoài cơm trắng, bạn có thể sử dụng những loại thực phẩm cũng chứa lượng tinh bột lớn như bánh mì, khoai, sắn…

Bổ sung tinh bột từ cơm trắng giúp hạn chế tình trạng uống rượu cồn ruột

2. Đu đủ

Đu đủ là một loại trái cây rất tốt cho hệ tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày. Đu đủ có tác dụng cải thiện các triệu chứng đường ruột hiệu quả, giảm cồn cào ruột, kích thích hệ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón. Do đó, ăn đu đủ hoặc sử dụng đu đủ làm nước uống là một giải pháp hiệu quả để giảm tình trạng bụng đói cồn cào do bia rượu.

3. Gừng

Gừng là nguồn dược liệu tự nhiên được áp dụng trong nhiều bài thuốc dân gian từ xưa tới nay. Nhờ vào vị ấm nóng, cay nồn và hiệu quả trong việc kháng viêm, chống oxy hóa tự nhiên, gừng giúp chữa triệu chứng cồn ruột hiệu quả. Không những thế, sử dụng gừng còn giúp bạn ấm bụng, giảm thiểu các cơn đau bụng mỗi khi bạn say xỉn.

Một cốc trà gừng có thể giúp giảm triệu chứng cồn ruột, bụng đói cồn cào khi uống rượu

4. Sữa chua

Đối với các bệnh về đường ruột, sử dụng sữa chua như một giải pháp tăng cường lợi khuẩn, bảo vệ hệ tiêu hóa hữu hiệu mà nhiều chuyên gia khuyên dùng. Sữa chua còn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện tình trạng cồn ruột, viêm loét dạ dày và trào ngược dạ dày. Bạn có thể sử dụng sữa chua hàng ngày để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, chống lại các bệnh về đường ruột.

5. Chuối

Chuối là loại trái cây chứa một lượng kali lớn giúp ổn định dạ dày, giảm tình trạng ợ chua, ợ nóng và cân bằng lượng nước, dinh dưỡng trong cơ thể. Ngoài ra, chuối còn chứa nhiều các vitamin và hoạt chất tốt khác để giảm viêm, bổ sung nguồn dinh dưỡng cần thiết để có bạn có một sức khỏe tốt hơn.

Người uống rượu xong bị cồn ruột nên ăn chuối để khắc phục cảm giác khó chịu này

6. Chế độ sinh hoạt hàng ngày khoa học

Việc tạo một chế độ sinh hoạt khoa học là điều cần thiếu đối với những ai thường xuyên bị cồn ruột, bụng đói cồn cào khi uống bia rượu. Thói quen ăn đúng bữa, nghỉ ngơi đúng giờ, ăn chính uống sôi… sẽ giúp dạ dày và hệ tiêu hóa luôn trong tình trạng khỏe mạnh, chống lại bệnh tật hiệu quả.

III - Lưu ý để hạn chế tình trạng cồn ruột sau khi uống rượu

Điều quan trọng nhất để hạn chế tình trạng cồn ruột sau khi uống rượu bia đó chính là lắng nghe cơ thể bạn. Nếu mỗi lần uống rượu là mỗi lần bạn cảm thấy bụng mình cồn cào và có vấn đề thì tốt nhất là hãy kiêng rượu bia hoàn toàn đến khi nào cảm nhận được cơ thể của mình khỏe hẳn.

Nếu cơ thể đã cho phép bạn sử dụng rượu bia, cần chú ý một số vấn đề sau để hạn chế được tình trạng này tái phát:

  • Tìm hiểu và kiểm tra thật kỹ loại rượu mà bạn sử dụng. Nếu biết đó là rượu kém chất lượng, rượu giả hãy từ chối nó ngay lập tức.
  • Hãy đảm bảo rằng bạn đã ăn “lót dạ” trước khi uống rượu để hạn chế được tác động của rượu bia đến dạ dày và đường ruột của bạn.
  • Uống rượu trong mức cơ thể cho phép, không được cố tình uống quá chén để gây ra những hậu quả mà bạn không thể lường trước được.
  • Có thể áp dụng một số phương pháp đã được gợi ý ở trên để giảm thiểu được tình trạng uống rượu bị cồn ruột.

Những lưu ý để tránh cồn cào ruột khi uống rượu

Những thông tin trên hy vọng hữu ích cho bạn và giúp bạn hiểu hơn về tình trạng uống rượu bị cồn ruột, bụng đói cồn cào. Điều quan trọng nhất, hãy lắng nghe cơ thể của mình và biết lượng sức tước bia rượu. Không có một giải pháp nào có thể giúp bạn cải thiện được nếu bạn tiếp tục sử dụng rượu bia quá mức cơ thể cho phép.

DS. Phương Thảo
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại