Thứ tư, 11/09/2024 | 14:33
RSS

Tuyển sinh đại học 2023: Điểm chuẩn sẽ giảm?

Chủ nhật, 09/07/2023, 06:07 (GMT+7)

Mặc dù đề các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được cả giáo viên và học sinh đánh giá là “dễ thở” khi bám sát chương trình sách giáo khoa, nhưng với độ phân hóa cao, dự đoán sẽ không xảy ra tình trạng “cơn mưa” điểm 10 và điểm chuẩn ở các trường top đầu sẽ giảm.

Tuyển sinh đại học 2023 điểm chuẩn sẽ giảm

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển sớm vào trường Đại học Kiến trúc TPHCM.

Ít điểm liệt, không nhiều điểm tuyệt đối

Theo đánh giá của nhiều giáo viên, đề thi môn Lịch sử năm nay, các câu ở mức độ vận dụng buộc thí sinh phải nắm khái quát toàn bộ chương trình lịch sử nhưng vẫn không quá khó để tìm được đáp án. Cô giáo Đinh Thị Trang Nhung - Trưởng bộ môn Lịch sử, trường THCS & THPT M.V. Lômônôxốp, Hà Nội cho rằng: 10 câu hỏi cuối của đề thi độ khó tăng lên nhằm phân loại học sinh, đòi hỏi các em phải thông hiểu và biết vận dụng. Vì vậy, cô Nhung dự đoán phổ điểm dưới 5 sẽ giảm, học sinh đạt điểm 5-6 nhiều, còn ở mức trên 8, đặc biệt là 9-10 sẽ ít hơn năm ngoái.

Tương tự, với môn giáo dục công dân được nhiều thí sinh tự tin lựa chọn như một môn gỡ điểm. Đề thi năm nay được cả thí sinh và giáo viên đánh giá là các câu hỏi vận dụng tình huống nên sẽ giúp thí sinh tránh điểm liệt dễ dàng. Chỉ có 2 câu hỏi cuối hơi khó hơn do thông tin nhiều, khiến thí sinh dễ bị nhầm lẫn. Vì vậy, khả năng thí sinh đạt trên 8 điểm sẽ nhiều và điểm tuyệt đối không phải quá khó khăn.

Với môn tiếng Anh, ThS Mai Tuyết Nhung - Trường Đại học Thương mại cho biết: Năm nay học sinh nắm vững kiến thức hoàn toàn có thể đạt trên 9. Tuy nhiên điểm 10 tuyệt đối sẽ không dễ đạt được. Còn đối với môn Ngữ văn, cô giáo Hoàng Thị Tú Anh - giáo viên Trường THPT Việt Nam Ba Lan nhận định đề thi Ngữ văn bám sát chương trình sách giáo khoa, có tính phân loại học sinh. Khi câu hỏi nghị luận văn học chọn một tác phẩm quen thuộc “Vợ nhặt” nhưng đoạn trích không phải là “tủ” của nhiều học sinh nên sẽ mang tính phân loại cao. Hay như ở câu 4 cũng là câu vận dụng cao, yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân từ những suy ngẫm của tác giả Anh Ngọc trong dòng thơ “Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình” thí sinh cần có những minh chứng, lý lẽ thuyết phục giám khảo. Vì vậy, cô Tú Anh nhận định phổ điểm môn Ngữ văn năm nay dự kiến ở mức 6-7 điểm.

Thầy Nguyễn Duy Nhuần, giáo viên môn Toán ở Hà Nội nhận định, năm nay đề thi Toán có tính phân hóa mạnh nên số lượng học sinh đạt điểm 10 sẽ không nhiều. Dự đoán số điểm 8 tương đối nhiều với những học sinh có học lực khá trở lên.

Điểm chuẩn hạ nhiệt?

Hiện các Sở Giáo dục và Đào tạo đang triển khai công tác chấm thi đảm bảo chất lượng, theo đúng tiến độ thời gian, tuân thủ đúng đáp án Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố. Tuy nhiên, từ mức độ phân hóa của đề thi, nhiều chuyên gia tuyển sinh dự đoán điểm chuẩn đại học xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT của các khối thi sẽ có những biến động. Trong đó, dự đoán điểm chuẩn ở các trường top đầu sẽ giảm, đặc biệt, rất hiếm ngành có điểm chuẩn 30, cho tổ hợp xét tuyển 3 môn như các năm trước.

Nhận định về điểm chuẩn của các trường đại học, Ths Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công thương TPHCM cho hay tùy từng ngành xét tuyển sẽ có mức biến động khác nhau. Cụ thể, điểm chuẩn các trường top giữa sẽ thấp hơn năm ngoái khoảng 1,0 điểm, các trường top trên thì có ngành sẽ thấp hơn năm ngoái khoảng từ 0,5 - 1,0 điểm và có ngành tương đương năm ngoái. Với những trường hàng năm xét tuyển tương đương "điểm sàn” sẽ không thay đổi.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - nguyên Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: Đề thi năm nay dễ thở nên điểm sàn xét tuyển sẽ tương đương năm ngoái, nếu tăng chỉ ở một số ngành. Tuy nhiên, với những ngành “hot” điểm chuẩn ở mức gần tuyệt đối 29 điểm trở lên dự đoán sẽ giảm.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định, đề thi năm nay phân hóa mạnh, thí sinh đạt được 9-10 điểm rất khó còn phổ điểm trung bình khá sẽ nhiều. Với đề thi như vậy, mức điểm chuẩn 23-25 điểm sẽ rất nhiều và điểm chuẩn đại học năm nay sẽ tương đương năm ngoái hoặc tăng một chút.

Một lưu ý nữa là năm nay lượng thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm ở nhiều trường không đạt chỉ tiêu đặt ra nên dự kiến các trường sẽ tăng chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT dẫn tới giảm căng thẳng điểm chuẩn. Dẫu vậy, trong cuộc đua giành một tấm vé vào ngành, trường đại học yêu thích của thí sinh vẫn cần thận trọng cân nhắc, sắp xếp nguyện vọng hợp lý.

Theo kế hoạch, từ ngày 10/7 đến 30/7, tất cả thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Sau đó, thí sinh có 7 ngày để nộp lệ phí xét tuyển, từ 31/7 đến ngày 6/8/2023. Thí sinh sẽ nhận kết quả (điểm chuẩn) ngày 22/8 và xác nhận nhập học đợt 1 trước 17h ngày 6/9/2023 (muộn hơn so với dự kiến 7 ngày). Riêng khối ngành đào tạo sức khỏe giáo viên, Bộ GD&ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hôm 25/7/2023. Từ đó, các trường đào tạo ngành này đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (điểm sàn). Dự kiến, kết quả thi tốt nghiệp sẽ công bố vào 8h ngày 18/7.

Theo kế hoạch, từ ngày 10/7 đến 30/7, tất cả thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Dự kiến, kết quả thi tốt nghiệp sẽ công bố vào 8h ngày 18/7.

Hàn Minh
Theo Đại đoàn kết