Thứ tư, 11/09/2024 | 13:06
RSS

Phụ huynh quây trường giành suất lớp 10, GĐ Sở GDĐT Hà Nội nói 'không thiếu chỗ học': Lỗi do phụ huynh hay thiếu trường?

Thứ năm, 06/07/2023, 17:13 (GMT+7)

Cảnh tượng phụ huynh có con trượt vào lớp 10 công lập nháo nhào cả đêm để xin học trường tư thục khiến dư luận xôn xao những ngày qua. Nguyên nhân do đâu, do Hà Nội đang thiếu trường lớp hay do tâm lý phụ huynh muốn cho con được học trường như ý?

Phụ huynh xếp hàng cả đêm nộp hồ sơ cho con vào lớp 10: Vì đâu nên nỗi?

Tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội đã trở thành đề tài nóng trong nhiều năm qua, năm nay lại trở nên "nóng" hơn cả. Tối 1/7, khi Sở GDĐT Hà Nội chính thức công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập cũng chính là lúc phụ huynh có con trượt lớp 10 đi tìm trường tư thục cho con theo học. 

Tối 2/7 nhiều phụ huynh đã đứng ở cổng trường xếp hàng chờ nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 Trường THPT Phan Huy Chú. Tối 3/7 cảnh tượng này tiếp tục xảy ra ở các trường như Trường THPT Tạ Quang Bửu, THPT Hoàng Cầu. 

Tại buổi chất vấn HĐND TP Hà Nội chiều 5/7, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GDĐT, nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến quy hoạch mạng lưới trường học và việc phụ huynh phải xếp hàng nộp hồ sơ từ sáng sớm những ngày qua. Trả lời câu hỏi, ông Cương cho hay đọc được phản ánh qua báo chí và khẳng định Hà Nội không thiếu chỗ học. "Chắc là một số trường có uy tín nên phụ huynh tin tưởng. Vì vậy, họ xếp hàng từ sáng sớm mong con có suất vào trường", ông Cương nói, thêm rằng sẽ chấn chỉnh tình trạng này.

Phụ huynh quây trường giành suất lớp 10, GĐ Sở GDĐT Hà Nội nói 'không thiếu chỗ học': Lỗi do phụ huynh hay thiếu trường?

Phụ huynh chen nhau nộp hồ sơ cho con tại Trường THPT Tạ Quang Bửu. Ảnh: Thao Do

Mặc dù giám đốc Sở GDĐT Hà Nội khẳng định không thiếu chỗ học, song nhiều phụ huynh cho biết có mong muốn cho con học trường công lập. Và một thực tế nữa là nhiều phụ huynh có con trượt vào lớp 10 công lập cũng không thể tìm được trường tư như ý.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, anh Phạm Tuấn, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết, con anh đăng ký nguyện vọng vào THPT Đông Mỹ, THPT Nguyễn Quốc Trinh và THPT Nguyễn Trãi cùng thuộc huyện Thanh Trì nhưng tiếc là trượt cả 3 nguyện vọng này.

Mặc dù nhanh chóng mang hồ sơ đến một trường tư thục để nộp nhưng nhà trường thông báo hết chỉ tiêu và hồ sơ con anh phải nằm chờ. Bất cập hơn, ngoài trường này anh Tuấn không còn lựa chọn nào khác. Được biết, huyện Thanh Trì có 4 trường công lập và 2 trường tư thục là THPT Lê Thánh Tông và THPT Lương Thế Vinh. Tuy nhiên, chỉ có trường THPT Lê Thánh Tông là phù hợp với tiêu chí của gia đình anh Tuấn. Vì vậy, dù không muốn nhưng anh Tuấn phải chuyển hướng cho con học trường cao đẳng nghề. 

"Tôi mong Hà Nội mở thêm trường công cho học sinh, phụ huynh đỡ vất vả. Sở GDĐT cũng nên tạo điều kiện linh động tăng thêm chỉ tiêu cho các trường tư thục chứ không giới hạn như hiện nay, học sinh không đỗ không biết đi đâu về đâu", anh Tuấn chia sẻ. 

Phân tích về vấn đề phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo tìm trường cho con trượt lớp 10 là lỗi do phụ huynh hay do thiếu trường lớp, thầy Lê Hải Trung, giáo viên Toán tại Trường TH, THCS và THPT Đa Trí Tuệ cho biết: "Đa phần phụ huynh có con trượt lớp 10 công lập xếp hàng ở trường bán công hoặc trường dân lập có tiếng, có học phí thấp vì mong muốn tìm một ngôi trường hợp lý cho con theo học. 

Việc xếp hàng còn một nguyên nhân nữa là do trường có nhiều phương án tuyển sinh và không tính toán hết được các phương án. Khi đưa đi điểm đầu vào theo hình thức thi của Sở thì lại sợ nhiều học sinh đăng ký quá nên mới công bố kiểu "điểm chuẩn 41 nhưng còn 10 chỉ tiêu" khiến phụ huynh hoang mang và phải đêm hôm đi đặt chỗ cho con được học.

Mật độ dân cư ngày càng đông nhưng các trường cấp 3 vẫn không thay đổi nhiều, chỉ tiêu không tăng dẫn đến việc muốn học trường công lập thì học sinh phải chịu khó học thật tốt, và quan trọng là đặt đúng nguyện vọng, đúng mục tiêu và có nhiều phương án dự phòng với nhiều học sinh học lực không tốt".

Cũng liên quan đến vấn đề trên TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT cho rằng: "Trách nhiệm này thuộc về UBND TP, không đáp ứng được nhu cầu học của nhân dân. Thấy nhu cầu học như vậy, các cấp chính quyền phải quy hoạch lại sớm chứ không thể để tình trạng thi lớp 10 còn khó hơn thi đại học. Phải cấp thêm đất mở trường, tại sao doanh nghiệp xin đất thì dễ mà trường lại khó khăn như vậy? Cần phải có chính sách thu hút xã hội hóa, phải mở rộng trường công cho con em không có điều kiện theo học.

Sở GDĐT cũng phải chịu trách nhiệm khi không đủ khả năng tham mưu cho UBND quy hoạch phát triển giáo dục trung học. Sở chỉ đặt ra chỉ tiêu mà không tính được tương lai người học, nhu cầu lao động trong tương lai. Bao nhiêu học sinh nhà nghèo có thể học được trường tư hay giáo dục nghề nghiệp? Các em có nhu cầu trường công thì nên tạo điều kiện cho các em theo học. Còn trường hợp do hoàn cảnh gia đình, năng lực, thể trạng sức khỏe không thể học, không muốn học thì mới cho các em theo học nghề. Nếu tư vấn cho chính con em của các vị như vậy thì các vị có chịu không?".

Cần xây thêm trường mới, phụ huynh tránh tâm lý đám đông

Chia sẻ thêm về giải pháp cho mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm sau, thầy Lê Hải Trung cho rằng: "Thực tế vẫn còn nhiều trường ngoài công lập tốt, tính toán kỹ phương án tuyển sinh và công bố rõ ràng điểm đầu vào. Phụ huynh cần tìm hiểu kỹ để tránh tâm lý đám đông.

Học sinh cần xác định tư tưởng và tập trung cao độ cho năm cuối cấp. Bắt đầu sớm là một lợi thế cho các em. Bên cạnh đó, phụ huynh và nhà trường kết hợp đồng hành cùng con, tư vấn lựa chọn trường dự thi đúng với năng lực các con. Với những bạn có học lực trung bình phải ưu tiên các phương án xét tuyển, chủ động thêm nhiều phương án dự phòng từ trước, tránh "nước đến chân mới nhảy".

Phụ huynh quây trường giành suất lớp 10, GĐ Sở GDĐT Hà Nội nói 'không thiếu chỗ học': Lỗi do phụ huynh hay thiếu trường?

Phụ huynh và thí sinh lo lắng tham gia kỳ thi vào lớp 10 năm 2023. Ảnh: Tào Nga

Ở góc nhìn của một người làm giáo dục, từng đảm nhiệm công tác tuyển sinh, thầy Trần Mạnh Tùng, nguyên giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ sự cảm thông với những gì mà các phụ huynh có con vào lớp 10 đang phải trải qua và cho rằng, các trường cần có cách thức tuyển sinh phù hợp hơn. 

"Để xảy ra tình trạng này, lỗi đầu tiên thuộc về các trường. Họ đã không chọn được một cách thức hợp lý và nhân văn dựa trên nguyên tắc xem học sinh, phụ huynh làm trung tâm", thầy Tùng nêu quan điểm.

Thầy Tùng cũng đưa ra 3 gợi ý để tránh cảnh phụ huynh phải xếp hàng. Một là minh bạch và rõ ràng về thông tin. Hai là phân luồng, sắp xếp phụ huynh theo khung giờ. Ba là khi phụ huynh đã lựa chọn xếp hàng xuyên đêm chờ đến lượt sớm, nhà trường nên có ứng xử phù hợp, nhân văn nhưng công bằng. Trường cần chủ động kiểm soát việc phát số thứ tự thay vì để phụ huynh tự ý ghi chép danh sách.

"Chuyện thiếu trường học ai cũng nhìn thấy. Trước khi giải quyết được việc này, cơ quan quản lý cần ban hành thêm những quy định, hướng dẫn chi tiết nhằm tạo điều kiện cho phụ huynh, học sinh tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng.

Cơ quan quản lý cũng nên phân bổ chỉ tiêu hợp lý hơn cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tạo điều kiện cho họ tuyển sinh phù hợp với khả năng đáp ứng, giảm tải cho hệ thống công lập", thầy Trần Mạnh Tùng nêu ý kiến.

Nói về giải pháp cho Tuyển sinh lớp 10 năm tới tránh tình trạng phụ huynh "vây kín" cổng trường như năm nay, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, từ năm học tới, tất cả trường học của thành phố sẽ tuyển sinh trực tuyến, giảm vất vả cho phụ huynh. Ngoài ra, Sở GDĐT đã bàn với Sở Quy hoạch kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường cùng các quận, huyện phương án thu hồi các dự án treo để lấy quỹ đất xây dựng trường công lập.

Hiện có 2.845 trường học ở 30 quận, huyện, thị xã, trong đó 79% là trường công lập. Mỗi năm sẽ tăng 30-35 trường học mới, đủ chỗ cho các cháu học tập trong giai đoạn hiện nay.

Tào Nga
Theo Báo Dân Việt