Đời Sống Plus đã có loạt bài viết: “Yên Bái: Man rợ trước hình ảnh thắt cổ trâu tế Mẫu tại đền Đông Cuông”; “Bí thư tỉnh Yên Bái lên tiếng về tục thắt cổ trâu tế Mẫu ở đền Đông Cuông”; “Tục thắt cổ trâu tế Mẫu ở đền Đông Cuông sẽ được bỏ từ năm nay”, phản ánh việc hình ảnh con trâu bị treo cổ trên cây cho đến chết mới hạ xuống làm thịt để tế Mẫu trong hội đền Đông Cuông được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của tháng giêng hàng năm ở (Văn Yên, Yên Bái).
Đáng nói, hình ảnh con trâu bị treo lên cây được đông đảo người dân hưởng ứng, cổ vũ, khiến dư luận bức xúc trước hành động phản cảm, man rợ đầy bạo lực này.
Tục lệ thắt cổ trâu tế Mẫu ở đền Đông Cuông, có thể chuyển hóa thành trâu vàng mã
Sau khi câu chuyện trên được báo chí đăng tải thu hút sự quan tâm của dư luận, mới đây nhất, Bộ VHTT&DL và lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã có những những chỉ đạo nhanh chóng, thông báo chấm dứt hủ tục thắt cổ trâu đến chết để tế Mẫu trong hội đền Đông Cuông từ năm nay.
Đời Sống Plus đã có cuộc trao đổi với nhà văn Văn Giá. Ông cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm hình ảnh giết trâu như trên mang tính bạo lực, phản nhân văn, cần được xóa bỏ.
Nhà văn Văn Giá
Theo nhà văn Văn Giá, quan niệm của người Kinh, con trâu là vật thân thiết, con trâu là đầu cơ nghiệp, là vật nuôi, là bạn đồng hành của nhà nông.
Theo nhà văn Văn Giá, hình ảnh treo trâu này quá là ghê rợn, đẫm máu và mang tính bạo lực, phản nhân văn. Ảnh Facebook
Dù thế nào thì treo trâu để giết như vậy là không thể được. Hình ảnh này trông phản cảm, man rợ, bạo hành nên không thể chấp nhận.
“Nếu sự việc trên tồn tại như một ý nguyện có thể cần được trân trọng còn tồn tại như một hình ảnh thực tiễn như thế này thể hiện sự phản cảm, tôi thấy không nên trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt là trong cái nhìn của người Kinh, những người trồng lúa nước thì hình ảnh treo trâu này quá là ghê rợn, đẫm máu và mang tính bạo lực, phản nhân văn”, nhà văn Văn Giá cho biết.
Cũng theo nhà văn Văn Giá, ông cho rằng không nên giữ phong tục này, còn nếu muốn giữ thì nên chuyển hóa bằng cách khác, có thể ví trâu thật như vàng mã rồi đốt…để tôn vinh thờ cúng, cầu may mắn như một ý nguyện tâm linh.
Sau khi treo trâu xong người dân mang đi thiêu trâu để làm thịt giữa đông người chứng kiến.
Theo nhà văn Văn Giá, hình ảnh người dân reo hò, cổ vũ vui vẻ là hình ảnh đáng ngại. Tục chém lợn ở Bắc Ninh đã bị cấm, nay phát hiện tục treo trâu cũng cần phải cấm ngay.
Ngoài ra, nhà văn Văn Giá cũng nói thêm, đây là một tập tục xa xưa, trong bối cảnh hôm nay là không phù hợp. "Hình ảnh treo trâu mang tính bạo lực quá nhiều, khiến cho lòng khoan dung hướng thiện của con người mỏng manh và dễ bị lung lay, bị tổn thương, cần xóa bỏ ngay là rất nhân văn, đúng đắn", ông nhấn mạnh.