Thứ hai, 18/11/2024 | 07:06
RSS

Từ vụ "cô tiên" Trúc Phương bị bắt: Tham gia hoạt động từ thiện có được xem xét giảm nhẹ hình phạt?

Thứ hai, 18/11/2024, 07:05 (GMT+7)

Theo luật sư, khi các bị cáo có thành tích xuất sắc trong quá trình học, làm việc hoặc có nhiều đóng góp, thiện nguyện có thể sẽ được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

"Cô tiên" Trúc Phương chăm làm từ thiện bị khởi tố, bắt giam

Ngày 14/11, Công an TP.HCM cho biết, cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can, bắt giam ca sĩ Nguyễn Trung Hiếu (nghệ danh Chi Dân), người mẫu Nguyễn Thị An (An "Tây", Andrea Aybar) và Nguyễn Đỗ Trúc Phương (Tiktoker) trong chuyên án về đường dây vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy liên tỉnh, thành phố.

Trong số 3 bị can bị Công an TP.HCM khởi tố, bắt giam, Trúc Phương được biết đến với biệt danh "cô tiên" từ thiện vì đã giúp đỡ được cho khoảng hơn 100 trường hợp với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Riêng đợt Covid-19, số tiền cô gái 29 tuổi này quyên góp hỗ trợ bà con khoảng 15-16 tỷ đồng. Cô cũng chia sẻ, vẫn đều đặn sao kê 2-3 tháng một lần. Tuy điều đó không ai yêu cầu, song cô muốn có một sự rõ ràng, minh bạch".

Nguyễn Đỗ Trúc Phương sinh năm 1994. Sau 9 năm du học tại Úc, cô về Việt Nam quản lý kinh doanh khách sạn của gia đình. Cô gái này nổi tiếng trên mạng xã hội bởi những hoạt động quyên góp, ủng hộ người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những người vô gia cư, hoặc các trường hợp gặp khó khăn đột xuất. Trúc Phương đã tự tổ chức nhiều chương trình quyên góp và kêu gọi ủng hộ từ cộng đồng, sau đó trực tiếp đến trao tặng các phần quà hoặc tiền mặt cho người cần giúp đỡ.

"Cô tiên" Trúc Phương cũng là một Tiktoker với tài khoản gần 200.000 người theo dõi với hơn 4,3 triệu lượt thích. Trong số những clip cô đăng tải, có những clip lên tới nhiều triệu view (lượt xem).

Nguyễn Đỗ Trúc Phương bị bắt giam do liên quan đến ma túy. Ảnh: CACC.

Với tinh thần giúp đỡ nhiệt tình mọi người và lối sống giản dị, cô được cư dân mạng gọi với cái tên thân mật là "cô tiên từ thiện".

Quy định pháp luật về tội tổ chức sử dụng ma túy, tàng trữ ma túy

Luật sư Nguyễn Bá Huy- Giám đốc Công ty Luật TNHH Tín Hải, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho hay, ma túy là chất cấm, việc sử dụng, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng mà còn có thể gây ra nhiều hệ lụy xấu đến xã hội.

Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 không quy định chế tài hình sự áp dụng đối với hành vi sử dụng trái phép ma túy mà chỉ đặt ra chế tài hành chính. Do đó, khi cơ quan chức năng phát hiện hành vi vi phạm sẽ có chế tài xử lý theo đúng quy định.

Cụ thể, người có hành vi sử dụng ma túy sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Việc các cá nhân tự ý sử dụng những chất này được xác định là hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Ngoài ra, tùy trường hợp, người nghiện có thể bị đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc.

Trường hợp "sử dụng trái phép chất ma tuý" và có từ 2 người trở lên, các đối tượng hoàn toàn có thể bị xử lý về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý quy định tại Điều 255, Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt tù thấp nhất là 2 năm, cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Quy định pháp luật về việc giảm trách nhiệm hình sự

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội phân tích về trường hợp xem xét giảm nhẹ nếu bị cáo có thành tích xuất sắc trong quá trình học, làm việc hoặc có nhiều đóng góp, thiện nguyện.

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chỉ là một trong các yếu tố quyết định đến hình phạt nhưng không phải là yếu tố chính. 

Trong trường hợp bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình thì dù bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng căn cứ vào quy định bộ luật hình sự, tính chất mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội mà tòa án vẫn có thể áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình.

"Ví dụ, nếu bị cáo thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy với số lượng đặc biệt lớn thì dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tòa án vẫn áp dụng mức hình phạt cao nhất là tử hình", luật sư Cường nhấn mạnh.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết thêm, đối với vụ án mà bị cáo phạm tội với vai trò thứ yếu, giúp sức, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có thể được áp dụng chính sách khoan hồng để có hình phạt phù hợp, có cơ hội cho bị cáo trở lại với đời sống xã hội.

"Tuy nhiên, với nhóm tội phạm về ma túy hình phạt là rất nghiêm khắc, nếu là hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy đá ma túy tổng hợp với trọng lượng từ 900g trở lên, dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự bị cáo vẫn có thể phải đối mặt với hình phạt cao nhất là tử hình", luật sư Cường khẳng định.

Trong các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 thì tình tiết người phạm tội có thành tích suất sắc trong học tập, công tác là một trong các tình tiết mà bộ luật hình sự có quy định.

Cụ thể, điểm v khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 quy định: "Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác".

Theo đó, người phạm tội có nhiều bằng khen chỉ là một trong các điều kiện xem xét hưởng án treo, để được hưởng án treo thì người phạm tội cần đảm bảo hình phạt tù không quá 03 năm phải đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên.

Minh Tiến - Thành Nam
Theo Dân Việt