Thứ sáu, 13/12/2024 | 06:03
RSS

Người phụ nữ "nghiện" mua sắm, đi khám mới biết bị rối loạn tâm thần

Thứ tư, 13/11/2024, 05:58 (GMT+7)

Khoảng 1 năm nay, chị K. (29 tuổi, ở Hà Nội) mê cảm giác được tiêu tiền, mua sắm nhưng sau đó lại thấy hối hận, u uất, buồn bã. Bác sĩ chẩn đoán cô mắc bệnh lý rối loạn tâm thần.

Mới đây, chị N.M.K. (29 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) được chồng đưa vào Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội) khám với các biểu hiện mất ngủ, nghiện mua sắm, vui buồn thất thường.

Theo người thân, hơn 1 năm nay, chị K. thay đổi tính tình, thích mua sắm. Mỗi ngày, người phụ nữ này mua rất nhiều đồ từ trực tiếp tới online. Có ngày, chị đặt 5, 6 món hàng nhưng không nhớ mình đã mua gì.

Khi cảm thấy buồn, mất hứng thú với cuộc sống, chị K. lại bắt đầu mua sắm, thích cảm giác tiêu nhiều tiền. Sau mỗi lần mua sắm nhiều, chị K. tỏ ra ân hận vô cùng. Vì vợ mua sắm vượt quá khả năng tài chính, người chồng thường xuyên phải trả nợ thay. Nếu bị ngăn cản, chị K. có thể bị kích thích, mất bình tĩnh.

Nữ bệnh nhân khám tại viện. Ảnh: BVCC

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho biết,sau khi loại trừ các triệu chứng khác, chị K. được chẩn đoán rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Mỗi lần lên cơn hưng cảm, bệnh nhân lại vui vẻ và thích mua sắm, yêu đời. Nhưng sau đó, bệnh nhân cảm thấy u uất, buồn bã, nghĩ tiêu cực và chán nản.

Thạc sĩ tâm lý Đặng Thị Hải Yến, Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, chứng nghiện mua sắm không phải là trường hợp hiếm gặp. Có nhiều trường hợp "nghiện" mua sắm trực tiếp, trực tuyến, gây tổn thất tài chính đáng kể và ảnh hưởng tới công việc.

"Việc nghiện mua sắm ban đầu có thể là sở thích để giải tỏa căng thẳng, dần dẫn tới trạng thái say. Một số người mua rất nhiều, dù không có nhu cầu dùng và vượt quá khả năng chi tiêu của bản thân. Nhiều trường hợp mua trước trả sau, trả góp nên rơi vào cảnh nợ nần. Với những người nghiện mua sắm thông thường, bác sĩ giúp họ thay đổi hành vi, tái cấu trúc việc chi trả tài chính. Với trường hợp có rối loạn cảm xúc, trầm cảm đi kèm, bác sĩ can thiệp bằng các phương pháp chuyên khoa", bác sĩ Hải Yến chia sẻ.

Theo bác sĩ, người bệnh bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực thường có biểu hiện như vui vẻ quá mức với bất kỳ sự vật, hiện tượng nào xảy ra xung quanh. Họ thể hiện nét mặt vui sướng, thái độ hân hoan. Bệnh nhân thường ca hát, đọc thơ, diễn kịch say sưa, liên tục, gây ồn ào và phiền toái cho những người xung quanh.

Một số trường hợp nói nhiều, nói to, trò chuyện lan man mọi chủ đề, ngôn từ đùa cợt, chơi chữ. Nếu bệnh nhân tức giận, cuộc nói chuyện có thể theo hướng đả kích, bi kịch hóa.

Người bệnh không tập trung vào một công việc nhất định nếu có các kích thích từ bên ngoài. Do đó, họ thường can thiệp vào mọi việc xung quanh, gây ồn ào, nói chuyện quá to hoặc di chuyển đồ đạc trong phòng.

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực không được điều trị kịp thời có thể gây hậu quả tâm lý xã hội đáng kể cho người bệnh và ảnh hưởng đến đời sống cá nhân, nghề nghiệp, gia đình. Người bệnh có tỷ lệ ly dị gấp 2-3 lần và suy giảm chức năng nghề nghiệp gấp 2 lần so với người không mắc, chất lượng cuộc sống kém đi đáng kể.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi chứng rối loạn mua sắm ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt, gia đình, người bệnh nên tới chuyên khoa sức khỏe tâm thần để khám và được tư vấn hướng điều trị, tránh để lại những rối loạn tâm thần nặng khiến việc điều trị khó khăn.

Gia Khiêm
Theo Dân Việt